HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT, PHẢN BIỆN CỦA ỦY BAN MTTQ VIỆT NAM TỈNH:
Hướng vào những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa ban hành các kế hoạch phối hợp thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội năm 2018. Nhìn vào nội dung giám sát, phản biện xã hội, có thể thấy đây đều là các vấn đề “nóng”, liên quan mật thiết đến đời sống xã hội, phát triển kinh tế của người dân địa phương.
Khai thác cát là chủ đề đối thoại tại huyện Hoài Ân năm 2017, tiếp tục được chọn là nội dung giám sát năm 2018.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Thị Kim Thu, 2018 là năm thứ 4 hoạt động giám sát, phản biện xã hội (GS-PBXH) được tiến hành tại Bình Định theo Quyết định 217/QĐ-TW của Bộ Chính trị. Song, đây là năm đầu tiên cụ thể hóa hình thức GS-PBXH theo tinh thần Nghị quyết liên tịch 403 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (Quy định chi tiết về các hình thức GS-PBXH của MTTQ Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 15.6.2017).
Nghị quyết này là cơ sở pháp lý quan trọng, thể hiện khá đầy đủ vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ; làm rõ hơn về cơ chế, nâng cao về “chất” công tác GS-PBXH. Theo đó, quý 4 hằng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam chủ trì hiệp thương với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp lựa chọn những vấn đề mà nhân dân quan tâm, bức xúc và xác định các hình thức phù hợp để xây dựng kế hoạch GS-PBXH cho năm sau.
● Với định hướng đó, theo bà, nội dung công tác GS năm 2018 có điểm nào đáng chú ý?
- Lâu nay, nhiều nội dung GS của Mặt trận chưa đi sâu vào các vụ việc cụ thể, nếu có cũng còn rất ít. Năm nay, chúng tôi chú trọng các nội dung vụ việc liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Nổi bật có nội dung GS công tác quản lý, kiểm tra, xử lý việc khai thác cát trên địa bàn tỉnh năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 theo nội dung Chỉ thị 447/CT-TTg và Chỉ thị 13/CT-UBND. Trong các địa bàn GS có huyện Hoài Ân; vì năm 2017, trước những bức xúc của người dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức đối thoại giữa Đảng, chính quyền với nhân dân Hoài Ân về vấn đề khai thác cát tại địa phương. Chúng tôi muốn “kiểm chứng” lại kết quả thực hiện những vấn đề đã được đặt ra cho chính quyền địa phương trong quản lý hoạt động khai thác cát thời gian qua: đảm bảo đúng quy định, không ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và môi trường sống của người dân…
Bên cạnh đó, 2 nội dung GS còn lại đều được ghi nhận từ dư luận nhiều chiều, được đông đảo cử tri trong tỉnh rất quan tâm. Đó là việc tổ chức, quản lý dạy thêm học thêm trong ngành giáo dục trên địa bàn TP Quy Nhơn; việc thực hiện chính sách hỗ trợ người có công cách mạng về nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg và chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh.
Khai thác cát ven sông tại huyện Hoài Ân.
● Thế còn nội dung PBXH, thưa bà?
- Theo kế hoạch, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ thực hiện PB 5 nội dung theo đề nghị của UBND tỉnh: Đề án Quản lý đê nhân dân; Đề án Sản xuất, phát triển cây mai vàng Nhơn An; Đồ án Quy hoạch thoát lũ toàn bộ lưu vực sông Côn; Chính sách Hỗ trợ tiêm phòng chống dịch bệnh động vật giai đoạn 2018-2020; Đề án Bảo tồn, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế dừa Hoài Nhơn. Đây là những vấn đề rất thiết thực, gắn liền với đời sống sản xuất, phát triển kinh tế của nhiều thành phần dân cư trong tỉnh, nhất là đối với nông dân.
Cùng với đó là nội dung phản biện theo đề nghị của HĐND tỉnh - các dự thảo nghị quyết về nhiệm vụ phát triển KT-XH và nghị quyết khác liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân.
Chúng tôi sẽ tổ chức PBXH chậm nhất 20 ngày sau khi nhận được dự thảo của các cơ quan soạn thảo.
● Xin bà cho biết, với các nội dung GS-PBXH “sát sườn” như thế, quá trình thực hiện đặt ra những yêu cầu nào?
- Đầu tiên, quá trình thực hiện GS-PBXH không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân. Hoạt động GS-PBXH phải bảo đảm công khai, khách quan, minh bạch theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là phải mang tính xây dựng. Riêng với PBXH, quá trình triển khai, tổ chức thực hiện nhất định phải tôn trọng các ý kiến khác nhau, nhưng không trái với quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc.
● Xin cảm ơn bà!
Theo bà Hồ Thị Kim Thu, ngoài các nội dung GS do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì, trong năm 2018, qua hiệp thương thống nhất, 5 tổ chức chính trị - xã hội tỉnh cũng sẽ chủ trì GS 5 nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất, quyền và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)