Nỗ lực thực hiện kế hoạch 800 triệu USD kim ngạch xuất khẩu
Thời gian qua, trước hàng loạt “rào cản thương mại” do các nước nhập khẩu áp đặt, hoạt động xuất khẩu của nhiều DN trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn. Ðể thực hiện mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu 800 triệu USD trong năm 2018, các DN sẽ phải nỗ lực rất nhiều.
Chế biến cá ngừ xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản Bình Định. Ảnh: V.L
Nhiều khó khăn
Theo ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, trong năm qua, các DN trên địa bàn tỉnh hoạt động chế biến gỗ xuất khẩu phải chịu áp lực bởi những “rào cản kỹ thuật” do các nước nhập khẩu áp đặt, trong đó có những quy định của chuỗi hành trình sản phẩm FSC- CoC, Hiệp định VPA/FLEGT…
Các DN phải đối diện những khó khăn về mua nguyên liệu gỗ rừng trồng; thách thức về chất lượng gỗ rừng trồng trong nước, gỗ có chứng chỉ FSC và thách thức về nguồn cung… Trong khi đó, các DN phải mua nguyên liệu gỗ từ nhiều nơi trên thế giới, việc tìm nhà cung cấp gỗ có nguồn gốc hợp pháp không đơn giản…
Các DN xuất khẩu thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn, thử thách, trong đó có những “rào cản kỹ thuật” và bảo hộ thương mại từ các thị trường nhập khẩu, như: thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh, bảo vệ nguồn lợi IUU…
Những khó khăn trên đã tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của các DN trên địa bàn. Năm 2017, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) toàn tỉnh chỉ đạt gần 93% kế hoạch năm. Trong đó, một số mặt hàng có sự giảm sút về giá trị KNXK, như: các sản phẩm từ mì (chỉ đạt 61,3 triệu USD, giảm gần 19%); mặt hàng gạo (gần 17 triệu USD, giảm gần 18%); quặng và khoáng sản khác (trên 39 triệu USD, giảm 3,2%)…
Tiếp tục vượt khó
Theo ông Võ Mai Hưng, bên cạnh giá trị KNXK đạt thấp, cơ cấu xuất khẩu trên địa bàn tỉnh chuyển dịch chậm, tốc độ tăng trưởng thấp hơn bình quân cả nước; sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu còn hạn chế. Công tác dự báo tình hình kinh tế trong và ngoài nước, định hướng thị trường cho DN trên địa bàn tỉnh chưa kịp thời. Hệ thống mạng lưới kết cấu hạ tầng thương mại phát triển chậm; công tác xúc tiến thương mại thị trường nội địa chưa được đổi mới. Nhiều DN còn phụ thuộc vào các đơn hàng của khách hàng truyền thống, chưa khai thác mở rộng thị trường mới.
Năm 2018, toàn tỉnh phấn đấu đạt tổng KNXK 800 triệu USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, nhóm hàng nông sản 84 triệu USD; nhóm hàng lâm sản 390 triệu USD; nhóm hàng hải sản 85 triệu USD; nhóm hàng khoáng sản và vật liệu xây dựng 46 triệu USD… Sở Công Thương sẽ hoàn thiện chính sách hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, thực hiện chính sách khuyến khích đối với các DN xuất khẩu có hiệu quả, chấp hành tốt pháp luật hải quan, phù hợp với cam kết quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu gắn với xây dựng thương hiệu DN. Chuyển dần cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu, có ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến…
2 tháng đầu năm 2018, giá trị KNXK hàng hóa toàn tỉnh ước đạt 134,3 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì 10 triệu USD (tăng gần 149%); gạo 4,4 triệu USD (tăng 52,4%); sản phẩm gỗ 53,4 triệu USD (tăng 6,2%); hàng dệt, may gần 24 triệu USD (tăng gần 19%); gỗ 16,8 triệu USD (tăng 3,9%); hàng thủy sản 13 triệu USD (tăng gần 13%)...
VIẾT HIỀN