Giáo dục truyền thống qua “Hành trình di sản”
Sáng 4.3, nhiều bà con đồng hương về chung vui Ngày hội người Bình Ðịnh tại TP Hồ Chí Minh, đã được tìm hiểu, tham gia “Hành trình di sản” văn hóa phi vật thể đặc sắc. Qua đó, góp phần giáo dục về truyền thống văn hóa - lịch sử quê hương.
Giới thiệu nghệ thuật bài chòi dân gian trong “Hành trình di sản”.
“Hành trình di sản” năm nay vẫn xây dựng trên cơ sở tôn vinh các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của quê hương Bình Định, nhưng có thêm một số nét mới sinh động hơn.
Đầu tiên là Ban tổ chức Ngày hội dành nhiều thời gian hơn trong chương trình họp mặt đồng hương tại sân khấu chính, để giới thiệu kỹ về nghệ thuật bài chòi Bình Định - miền Trung vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Không chỉ say mê thuật lại sống động khi tham gia đoàn Việt Nam trực tiếp dự cuộc họp xét công nhận di sản của UNESCO tại Hàn Quốc vào năm ngoái, vốn là người giàu tâm huyết với nghệ thuật bài chòi, am tường lịch sử hình thành, phát triển các loại hình nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định, nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định vừa thuyết minh vừa trình diễn, hô hát một cách nhuần nhuyễn.
Phần giới thiệu của nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha càng thêm sống động, khi Nghệ nhân ưu tú Minh Đức, các nghệ nhân Nguyễn Phú, Quý Nhất… say sưa biểu diễn đầy cảm xúc.“Năm nay bài chòi dân gian đã thêm phần quảng bá rộng rãi, hiệu quả hơn. Mình biểu diễn cũng thấy rất phấn khởi !” - Nghệ nhân ưu tú Minh Đức bộc bạch.
Góp phần quảng bá hiệu quả hơn nữa, các hội đánh bài chòi dân gian được tổ chức ở khu vực riêng, với nhiều nghệ nhân giỏi từ quê nhà Bình Định vào thay phiên nhau phục vụ lượng khách chơi luôn đông vào các buổi tối ngày 3.3 và cả ngày 4.3.
Chị Nguyễn Phương (35 tuổi), người dân Bình Định đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Mấy lần về Quy Nhơn, thấy có hội đánh bài chòi cổ nhưng chưa có dịp chơi. Hôm nay, được chơi hội đánh bài chòi cổ tôi rất thú vị. Nhưng vui nhất là hai con tôi có dịp biết thêm về truyền thống văn hóa của quê cha đất tổ…”.
Điểm mới thứ hai là các VĐV, HLV tài năng của Trung tâm võ thuật cổ truyền Bình Định không chỉ vào biểu diễn trên sân khấu, mà dành một khu riêng để hướng dẫn mọi người một số đòn thế võ Bình Định vừa để tự vệ, vừa rèn luyện sức khỏe. Bạn Nguyễn Thị Thúy Vy, sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh, hào hứng: “Khu tôi ở trọ ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức khá hoang vắng, mỗi lần đi học về tối rất sợ. Thấy có hướng dẫn võ cổ truyền quê mình, tôi vào nhờ các anh chỉ vài chiêu để phòng thân và thêm tự tin…”.
Cũng tham gia quảng bá võ cổ truyền Bình Định tại Ngày hội còn có đoàn võ sinh đến từ võ đường Phan Thọ ở Bình Dương, do cháu nội cố võ sư Phan Thọ - võ sư Phan Thanh Khoa dẫn đầu. Anh Quách Văn Mười (42 tuổi) cho biết: “Tôi là người miền Bắc, đã luyện tập ở võ đường Phan Thọ ở Bình Dương được 7 năm. Năm nào tôi cũng tham gia Ngày hội với niềm ngưỡng mộ tình đồng hương của người đất Võ…”.
Ban tổ chức Ngày hội dành nhiều thời gian hơn trong chương trình họp mặt đồng hương tại sân khấu chính, để giới thiệu kỹ về nghệ thuật bài chòi Bình Định - miền Trung vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
HOÀI THU