Chiếu bóng lưu động lên vùng cao
Ngày Tết, ban ngày đồng bào đi chơi xuân chúc Tết, đêm xuống, mọi người tập trung ở sân nhà rông đầu làng cùng xem phim. Ðông vui như đêm hội. Ở đó, đồng bào không chỉ đơn thuần thưởng thức tác phẩm điện ảnh, mà còn là dịp giao lưu, hò hẹn, sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Thực hiện kế hoạch tổ chức Đợt phim mừng Đảng - mừng Xuân Mậu Tuất 2018, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh tổ chức Đoàn công tác phối hợp các đội chiếu bóng lưu động (CBLĐ) phục vụ đồng bào vùng cao, vùng xa. Đồng thời, kết hợp đánh giá thực trạng công tác CBLĐ nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động này. Từ ngày 16 - 21.2 (mùng 1 đến mùng 6 Tết), Đoàn đã phục vụ từ làng Giọt 1, Kon Mon (huyện Tây Sơn) đến Klot Pok (huyện Vĩnh Thạnh), sang Kà Bông (huyện Vân Canh) và lên tận thôn 5 (xã An Hưng, huyện An Lão).
Bà con làng Giọt 1, xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn xem phim chuyên đề Mừng Đảng - Mừng Xuân Mậu Tuất 2018 trước khi xem phim truyện.
Phim Tết về làng xa
“Ngày Tết ai chẳng muốn ở bên gia đình, vậy mà các anh lại vượt đèo dốc lên đây chiếu phim phục vụ, bà con xúc động lắm. Đường đến Kà Bông còn cách trở, xa xôi, các đoàn hát, biểu diễn nghệ thuật rất ít đến, muốn no con mắt chỉ trông vào các anh chiếu bóng thôi”, lời bộc bạch của ông Đinh Văn Tập, già làng Kà Bông, xã Canh Liên (huyện Vân Canh) khiến những người làm CBLĐ ấm áp hẳn lên.
So với đồng bằng, buổi chiếu phim ở miền núi bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn. Mỗi buổi chiếu gồm một phim tài liệu hoặc phim chuyên đề và 1 - 2 phim truyện Việt Nam, sau 22 giờ mới nghỉ. Đây, hình ảnh núi rừng, buôn rẫy quê hương; đồng bào Bana, H’re đánh Pháp, đánh Mỹ theo lời Bok Hồ (các phim: Muối O Hồ, Đất nước đứng lên, Lửa rừng, Những đứa con của thần linh…). Đây, các thông tin thời sự về giáo dục, văn hóa, y tế… của đất nước Việt Nam (chương trình phim phục vụ đồng bào miền núi của Cục Điện ảnh). Những bộ phim như vậy, vừa gợi nhớ lại những năm tháng đầy gian khổ nhưng hào hùng của đồng bào dân tộc miền núi tham gia cách mạng; vừa động viên hướng dẫn đồng bào tin và làm theo những điều hay, cái tốt.
Tại thôn 5, xã An Hưng, huyện An Lão, già làng H’re Đinh Văn Rút tâm sự: “Người già xem phim nhớ Cụ Hồ, nhớ bộ đội; lũ nhỏ xem để ơn Đảng, ơn Bác Hồ, tri ân bao sự hy sinh, mất mát để có được ngày hôm nay…”.
Nhiệm vụ chính trị quan trọng
Tại mỗi buổi chiếu, cùng với các bộ phim truyện, các đội CBLĐ luôn kết hợp với phim phổ biến, tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, phòng chống dịch bệnh, các tệ nạn xã hội, làm kinh tế trang trại, giữ gìn văn hóa truyền thống…
Để tạo điều kiện cho công tác CBLĐ thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị quan trọng của mình, một trong những bất cập cần được khắc phục sớm là việc lồng tiếng đồng bào dân tộc thiểu số trong phim. Bởi CBLĐ gắn liền với công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, cần thiết phải đầu tư thiết bị lồng tiếng dân tộc thiểu số trong phim, và tốt nhất là tuyển người địa phương để “thổi hồn” của dân tộc mình vào phim sao cho phù hợp từng vùng miền và phong tục tập quán của họ.
Kết quả khảo sát từ cộng đồng đồng bào dân tộc Chăm, H’re, Bana cho thấy, đồng bào có nguyện vọng nghe âm thanh, tiếng nói của dân tộc mình trực tiếp trên phim. Hiệu quả của việc lồng tiếng dân tộc sẽ đem lại lợi ích thiết thực trong việc tuyên truyền và có tác động rất lớn đối với sự đón nhận tác phẩm điện ảnh của đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhà nước tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của CBLÐ, thể hiện ở Ðề án 586 ngày 3.5.2017 do Thủ tướng Chính phủ ban hành về “Chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn”.Với phương châm “Ở đâu có dân, ở đó có dấu chân người lính chiếu bóng”, từ nhiều năm qua,Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Bình Ðịnh đã góp phần thực hiện chiến lược phát triển văn hóa thông tin miền núi giai đoạn 2015 - 2020 của Bộ VH-TT&DL.
VÕ VĂN TIỄN