8.3.2018: Ý nghĩa lịch sử ngày quốc tế phụ nữ nhiều người chưa biết
Lễ kỷ niệm Ngày phụ nữ đầu tiên được tổ chức đầu thế kỷ 20, nhưng không phải vào ngày 8.3.
Ngày Quốc tế Phụ nữ hay còn gọi là Ngày Liên hiệp quốc vì Nữ quyền và Hòa bình Quốc tế được tổ chức vào ngày 8.3 hàng năm. Ngày này được Liên hiệp quốc chính thức công nhận vào năm 1977.
Tuy nhiên, lễ kỷ niệm Ngày Phụ nữ được diễn ra sớm nhất không phải vào ngày 8.3 mà vào ngày 28.2.1909 tại TP New York do Đảng Xã hội Mỹ tổ chức để tưởng niệm cuộc đình công năm 1908 của Hiệp hội Công nhân May mặc Quốc tế.
Cuộc biểu tình của đòi quyền lợi của phụ nữ trên thế giới. Ảnh: Diván Inquieto
Đây là lần đầu tiên phụ nữ khắp nơi trên nước Mỹ đã tổ chức “Ngày phụ nữ” mít tinh, biểu tình rầm rộ đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ.
Những cuộc đấu tranh của nữ công nhân Mỹ đã có tiếng vang lớn, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của phụ nữ lao động trên toàn thế giới.
Trong phong trào đấu tranh lúc bấy giờ, đã xuất hiện 2 nữ chiến sĩ cách mạng lỗi lạc là bà Clara Zetkin (người Ðức) và bà Rosa Luxemburg (người Ba Lan). Hai bà đã phối hợp với bà Nadezhda Krupskaya (vợ của Lê-nin) vận động thành lập Ban Thư ký quốc tế phụ nữ để lãnh đạo phong trào.
Ngày quốc tế phụ nữ 8.3 chính thức được Liên hợp quốc chọn vào năm 1977. Ảnh minh họa, IT
Trong Hội nghị phụ nữ do Quốc tế thứ II (Quốc tế Xã hội chủ nghĩa) tổ chức ngày 8.3.1910, Chủ tịch là bà Clara Zetkin đã đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để kỷ niệm những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới.
Ngày 26 và 27.8.1910, Hội nghị Phụ nữ Thế giới được tổ chức ở Copenhagen (thủ đô Ðan Mạch). Bà Luise Zietz đề nghị có một Ngày Phụ nữ Quốc tế hàng năm và được Clara Zetkin ủng hộ. 100 phụ nữ đến từ 17 quốc gia đã đồng ý với ý tưởng này.
Ngày 19.3.1911 ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức ở Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sĩ. Phụ nữ yêu cầu được thực hiện quyền bầu cử và giữ chức vụ công. Đồng thời phản đối việc phân biệt đối xử về giới tính trong việc làm.
Năm 1914 ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức vào ngày 8.3. Vào ngày này, phụ nữ Đức đòi quyền bầu cử. Tại Luân Đôn (Anh) có cuộc diễu hành ủng hộ cuộc bầu cử của phụ nữ.
Năm 1975 Liên hợp quốc bắt đầu kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ trong Năm Quốc tế Phụ nữ 1975. Đến năm 1977, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã mời các quốc gia thành viên tuyên bố ngày 8.3 là Ngày của Liên Hợp quốc về quyền phụ nữ và hòa bình thế giới.
Theo Dân Việt