Lan tỏa năng lượng tích cực
Dẫu cơ thể khiếm khuyết, những “bông hoa” ấy vẫn tỏa hương, góp sắc cho cuộc đời bằng nghị lực, thái độ sống tích cực. Từ họ, luồng năng lượng tích cực lan tỏa, tạo cảm hứng để những người xung quanh thêm yêu cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Gái (thứ hai từ trái sang) biểu diễn tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc cùng các thành viên nhóm nhạc AHF.
Dẫu cuộc đời nhiều thử thách
Khi bạn bè đồng trang lứa đã ổn định mọi bề, chị Nguyễn Thị Gái (40 tuổi, thôn Hữu Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) thấy mình vẫn còn chông chênh. Có ý thức tự lập nên hơn 10 năm qua, người phụ nữ khuyết tật vận động này rời quê, xuống thành phố để học nghề. Nhiều nghề cần đến đôi tay tỉ mỉ, khéo léo và phù hợp với sức khỏe của người khuyết tật như: làm hoa voan, đan len, cắm hoa tươi, thêu, may..., chị đều đã học qua.
“Vậy mà, chẳng nghề nào bền. Những ngày tháng một mình đi xe lắc đi học nghề, đi làm vất vả, thường hay té ngã, đau ốm và nhiều lý do khách quan khác khiến tôi tin rằng, cuộc đời vẫn tiếp tục thử thách ý chí của mình. 4 năm trước, tôi tham gia lớp nhạc tại cơ sở Nguyễn Nga. Sau 4 năm chăm chỉ, dốc trọn tâm sức, tôi tin âm nhạc là “bến đỗ” của mình, dẫu thử thách vẫn còn ở phía trước”, chị Gái tâm sự.
Bị mù lúc 25 tuổi, khi đang trong vai trò một người vợ, người mẹ của 2 con, chị Dương Thị Hồng Dung (47 tuổi, ở KV 1, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) từng suy sụp. Bao nhiêu dự định về việc làm, mong ước được tự tay chăm sóc các con và nhìn ngắm chúng khôn lớn cứ vỡ vụn trong khoảng tối tăm. “Nhưng nhờ có sự động viên của gia đình, tôi bình tĩnh lại. Khi bình tâm, tôi nhận ra mình đã quá chú tâm vào việc mất đi ánh sáng mà quên mất nhiều thứ tốt đẹp khác. Tôi còn có đôi tay, đôi chân lành lặn. Tôi còn sức khỏe, còn có cái đầu minh mẫn, nhiều trải nghiệm hơn biết bao người”, chị Dung nhớ lại.
Suy nghĩ thấu đáo, chị Dung bắt tay vào việc rèn luyện các giác quan còn lại để “nhìn” cuộc đời thay đôi mắt. Từ vị trí “hậu phương”, chị cố gắng chăm sóc và dạy dỗ con cái thật tốt. Kinh tế gia đình phụ thuộc hẳn vào người chồng là thợ hồ, nên nhiều lúc các khoản chi cho 3 đứa con ăn học khiến anh lao đao. Năm 2008, kinh tế gia đình thật sự khó khăn, làm chị Dung và chồng đau đầu. Họ buộc phải đưa ra quyết định cho con trai giữa nghỉ học sau khi tốt nghiệp THCS để đi học nghề, dồn sức nuôi chị cả đang học lớp 12 và con gái út đang học đến lớp 6. Quyết định với phần thiệt thòi nghiêng hẳn về phía đứa con trai duy nhất trong nhà làm chị nhiều năm thấy có lỗi. Đến nay, con trai có nghề nghiệp ổn định tại TP Quy Nhơn; hai con gái đã tốt nghiệp ĐH Quy Nhơn và đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh; vợ chồng chị mới phần nào thấy nhẹ lòng.
Chị Dương Thị Hồng Dung bên các sản phẩm kết cườm thủ công do chính mình thực hiện.
Thời gian đâu mà ngồi buồn
Phải chăm lo cho mẹ già, anh trai và em trai bị thiểu năng trí tuệ, bản thân cũng bị liệt một chân, chị Nguyễn Thị Hạ (35 tuổi, ở thôn Cửu Lợi Đông, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn) chọn nghề may để mưu sinh. Vì những nỗ lực trong lao động của chị, năm 2017, chị được Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh biểu dương tại Hội nghị biểu dương người khuyết tật tiêu biểu toàn tỉnh.
Trò chuyện với chị, tôi nhận ra, người phụ nữ khuyết tật này không chỉ có tinh thần lao động, khát vọng sống độc lập mà còn có thái độ sống tích cực. Chị bảo tôi: “Ngồi đó mà than trách cũng chẳng được gì. Thay vào đó, phải cố gắng gấp hai, ba lần người bình thường để xây dựng cuộc sống”.
Suy nghĩ tích cực, thái độ sống tích cực cũng là điểm dễ thấy từ chị Dương Thị Hồng Dung. Khi đã ổn việc nhà, chị Dung dành nhiều thời gian để học tập và nâng cao bản thân mình. Chị học chữ Braille, học vi tính, học kết cườm thủ công. Từ một người nội trợ, chị mạnh dạn bước ra ngoài xã hội, kết nối với những người đồng cảnh, được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Hội Người mù tỉnh. Gặp bất kỳ một người khiếm thị nào còn nhiều mặc cảm, tự ti, chị đều dành cho lời khuyên: “Cái gì không thay đổi được thì hãy vui vẻ chấp nhận. Mình vui vẻ thì người thân mình cũng an tâm. Khi vui, lạc quan, người ta sáng suốt và làm được nhiều điều có ích”.
Sở hữu đôi mắt buồn buồn, nhiều người nghĩ chị Nguyễn Thị Gái chắc hay suy tư, than trách số phận. Nhưng, chị chẳng để mình có thời gian ngồi buồn. Thời gian ấy, chị dồn cho những cây đàn. Sau 4 năm, chị thạo đàn tranh, biết đàn guitar và tiếp tục học thêm đàn bầu. Với kiến thức và kỹ năng có được, chị còn dạy đàn organ cho các em nhỏ thiểu năng trí tuệ tại cơ sở Nguyễn Nga. Thời gian đến, theo dự kiến, chị và 3 bạn nữ khác trong nhóm nhạc của cơ sở Nguyễn Nga sẽ tham gia biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại một số tiệm cà phê.
Chị bỏ nhỏ với tôi: “Có buồn, có nản, tôi cũng rinh nhạc cụ ra để luyện tập. Mình đã xác định đó là điều mình sẽ theo đuổi thì ngay cả lúc nản lòng nhất, mình cũng phải tự nhắc mình tiếp tục”.
NGUYỄN MUỘI