Cơ hội kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ
Hội nghị “Gặp gỡ Hoa Kỳ 2018” vừa được Bộ Ngoại giao phối hợp với Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh tổ chức tại TP Ðà Nẵng ngày 5.3 được xem là sự kiện quan trọng nhằm hỗ trợ kết nối giữa chính quyền, DN 7 tỉnh, thành khu vực miền Trung và các đối tác Hoa Kỳ. Tại Hội nghị, Bình Ðịnh đã quan tâm mở rộng quan hệ hợp tác, đầu tư, giao thương với Hoa Kỳ, nhất là đẩy mạnh xuất khẩu đồ gỗ - đang là thế mạnh của tỉnh.
Lãnh đạo các tỉnh khu vực miền Trung và các DN Hoa Kỳ thảo luận về cơ hội đầu tư tại hội nghị.
Nhiều triển vọng
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, hai nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ về bản chất mang tính bổ trợ lẫn nhau, không cạnh tranh nhau. Hai bên duy trì quan hệ thương mại đầu tư ổn định, kim ngạch hai chiều tiếp tục tăng, xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng tăng nhanh, với tốc độ cao nhất so với các thị trường Đông Nam Á khác.
Theo ông Sơn, Việt Nam coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ và sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ để tiếp tục cải cách và đổi mới, tạo dựng môi trường kinh doanh đầu tư thuận lợi hơn, trong đó hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các DN, đối tác và địa phương của Hoa Kỳ là một nội dung quan trọng.
Hội nghị “Gặp gỡ Hoa Kỳ 2018” được tổ chức với sự tham dự của 7 địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, gồm: Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình. Đây là khu vực phát triển nhanh, năng động và bền vững, với tiềm năng và thế mạnh về công nghiệp chế biến, dịch vụ, hậu cần, cảng biển, và đặc biệt là du lịch với 10 di sản văn hóa được UNESCO công nhận.
“Đây là dịp để các địa phương trong khối liên kết kinh tế vùng giới thiệu và quảng bá các tiềm năng, lợi thế một cách rõ nét hơn, qua đó thúc đẩy cơ hội hợp tác của các DN Việt Nam và đối tác Hoa Kỳ, hướng tới mục tiêu chung là duy trì, đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, đóng góp nhiều hơn nữa vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương và trên thế giới”, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao chia sẻ.
Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink khẳng định, Việt Nam đã và đang là một đối tác quan trọng về kinh tế, là một trong những điểm đến tăng trưởng nhanh nhất đối với các mặt hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ. Đại sứ Daniel Kritenbrink cũng đánh giá cao sự phát triển, nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ Việt Nam và các địa phương, đặc biệt là 7 tỉnh, thành khu vực miền Trung.
Bình Định quan tâm mở rộng thị trường đồ gỗ sang Hoa Kỳ
Chia sẻ tại Hội nghị với chủ đề “Mở rộng thị trường Hoa Kỳ - tạo sức bật mới cho ngành đồ gỗ Bình Định”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long mong muốn chính quyền Hoa Kỳ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các DN trong tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu đồ gỗ, bởi đây là thế mạnh của tỉnh.
Theo ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định, toàn tỉnh hiện có trên 120 DN chế biến đồ gỗ, với tổng công suất khoảng 345 ngàn m3/năm, tổng vốn đầu tư trên 7.500 tỉ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 25.000 lao động. Nhiều năm qua, Bình Định đã trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ lớn của cả nước. Hiện, ngành đồ gỗ Bình Định đã xuất khẩu trực tiếp sang 5 châu lục với trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có khoảng 30 DN xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường Hoa Kỳ. Năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu ngành đồ gỗ của tỉnh đạt 373 triệu USD, chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) toàn tỉnh. Riêng KNXK sang thị trường Hoa Kỳ đạt 90 triệu USD.
Thời gian tới, mục tiêu Bình Định hướng đến là phát triển ngành chế biến đồ gỗ bền vững, đảm bảo tính hợp pháp của nguyên liệu gỗ, thân thiện môi trường, thỏa mãn các yêu cầu của khách hàng, đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất đồ gỗ nội thất. Phấn đấu đến năm 2020, KNXK đồ gỗ Bình Định đạt 475 triệu USD, đưa tổng KNXK giai đoạn 2016 - 2020 nhóm hàng này trên 2 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 8%/năm.
Để đạt các mục tiêu trên, các DN chế biến đồ gỗ Bình Định xác định tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, tạo sức bật mới cho ngành đồ gỗ xuất khẩu. Tuân thủ và thực hiện tốt đạo luật Lacey với các chính sách, giải pháp lâu dài, kiểm soát chặt chẽ sản phẩm gỗ xuất khẩu. Tăng cường xúc tiến thương mại để tăng thị phần, hỗ trợ các DN tham gia Hội chợ Chicago Hoa Kỳ trong quý III/2018. Đồng thời, hợp tác với các tổ chức quốc tế để quảng bá thương hiệu “Đồ gỗ Bình Định”.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cam kết tiếp tục thúc đẩy, tạo thuận lợi hơn nữa cho quan hệ hợp tác kinh tế song phương, tạo điều kiện cho các DN và các địa phương của Việt Nam tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất toàn cầu mà Hoa Kỳ có lợi thế; đặc biệt là mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
“Mặc dù đây là lần thứ 3 Hội nghị “Gặp gỡ Hoa Kỳ” được tổ chức, nhưng là lần đầu tiên tôi dự và tôi tự tin rằng, những giải pháp của DN từ Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam; bên cạnh đó cũng mong muốn các địa phương Việt Nam giới thiệu tiềm năng và có những nỗ lực, kêu gọi, xúc tiến để DN Hoa Kỳ quan tâm đến đầu tư tại đây”, Đại sứ Daniel Kritenbrink nhấn mạnh.
NGUYỄN HÂN