Ăn xin có phải một nghề?
Buổi tối tại vỉa hè một gian hàng ăn, câu chuyện của những người quanh bàn đang rôm rả thì một gã đàn ông lạ xuất hiện, quỳ sụp, hai tay cầm cái mũ ngửa ra trước ngực và đầu gục thấp dưới gối người ngồi trên ghế. Câu chuyện đứt ngang, những người cùng bàn lướt qua người đàn ông một loáng rồi phớt lờ. Anh ta, người đàn ông quỳ, không có vẻ gì sẽ đứng lên nếu chưa được bố thí.
Các đối tượng ăn xin
Không chịu nổi cảm giác thống khổ trước kiểu xin ăn rặt khổ nhục kế này, bạn tôi rút ra mấy nghìn, anh ta lập tức chụp cất vào túi rồi đưa tay về phía ly tách. Một người hỏi: Anh định làm gì thế? Anh ta đứng lên, lì lợm hướng mắt về các thứ trên bàn. Cử chỉ của anh ta khiến sự thương cảm của mọi người tan biến, nhường chỗ cho sự bực dọc. Chạm vào cái nhìn lạnh của những người quanh bàn, anh ta hơi chờn, lui ra rất nhanh. Tôi kịp thấy bộ cánh anh ta mặc rất tươm tất, và túi áo túi quần được may theo kiểu đủ để thâu tóm càn khôn. Nhưng cái xe đạp của anh ta càng làm tôi ngạc nhiên hơn nữa: mới kít, sáng loáng.
Rời khỏi gian hàng, những câu chuyện dây dưa dắt chân chúng tôi thả bộ qua những con phố khác. Chặp chặp lại thấy anh chàng lúc nãy, khi đang quỳ bên một góc bàn chờ đợi, khi đang phốc lên xe. Đặc biệt, lúc đạp xe vượt qua chúng tôi, anh ta huýt sáo vang lừng, không còn vẻ hèn kém. Bạn tôi tặc lưỡi: "Ăn xin đã trở thành một nghề!".
Tôi đã hơn một lần chứng kiến những người ăn xin sau khi đếm tiền đã sà vào tiệm bún tiệm phở kéo ghế gọi một tô nóng, thậm chí giá trị suất ăn của họ còn hơn của người vừa bố thí cho họ. Một sinh viên kể với tôi rằng em đã nhịn hủ tiếu ăn xôi để nhín bớt mười nghìn đồng cho một cậu bé vô gia cư, nhưng sau đó mươi phút em gặp cậu bé kia luyện game trong quán net.
Ăn xin đã trở thành một nghề ư? Vậy thì khi móc tiền ra đưa cho kẻ ăn xin chuyên nghiệp, bạn và tôi, chúng ta đang trở thành cái gì trong tình huống ấy. Ai là kẻ đáng thương?
Trần Thị Huyền Trang