Tò he yêu dấu
Mùa xuân, giữa những ngày thế gian gom hết hương sắc để xinh tươi, thì ở một con chợ nhỏ, có một người đàn bà lặng lẽ bày dưới nắng xuân một khay vật phẩm vừa sặc sỡ vừa hiền lành. Các món sặc sỡ của chị không hề diêm dúa, trái lại chúng dễ thương bắt mắt đến độ khiến người ta phải dừng chân ngắm nghía. Có thể mua, có thể không, nhưng nhìn chúng hầu như ai cũng nở một nụ cười thích thú và trìu mến.
Tò he!
Tươi tắn và sinh động, cả một thế giới hiện ra trong những dáng vẻ sắc màu ngộ nghĩnh: voi hồng, ngựa tía, chó vàng, thỏ xanh, rồng đỏ... Không chỉ phong phú về màu sắc, chúng còn đa dạng về hình thái, giống loài: chim ấp trứng, rồng ngậm ngọc, rùa dâng sách, voi chở măng, thỏ ôm hoa, mèo vờn bướm, trâu nhai cỏ, chó ném bóng... Cây trái cỗ bàn thảo thơm tươm mật: cỗ bồng ngũ quả chuối- đu đủ - hồng - cam - xoài căng đầy vàng óng; măng cụt, vú sữa tím tím hồng hồng; hồ lô rượu chín mọng nghiêng nghiêng chuếnh choáng; các loại phương tiện ô tô, xe đạp, kiệu hoa rộn rịp. Giữa thế giới tưng bừng ấy, tò-he-người sao mà thong dong, mơ mộng: tha thướt áo dài thiếu nữ, bồng bềnh anh chàng dắt ngựa đón dâu... Vũ trụ, vạn vật vui vẻ, hào phóng trong tinh thần luân lưu, sung túc, sẻ chia, dâng hiến.
Ảnh: H.T
Tôi lân la hỏi chuyện, chị bảo mình dân Bình Định, quê nội Nhơn Khánh, quê ngoại gần thành Hoàng Đế: "Chẳng gì cũng thể đất Thành - Mâm kia có bể thì cái vành cũng leng keng". Đất Thành quê ngoại hào hoa cho chị vang bóng cổ xưa rực rỡ - những thành quách kiêu sa bí ẩn, những cung điện tháp đền phế tích, những cỗ xe ngựa rung reng lục lạc sớm chiều... Quê nội lúa thơm, nếp dẻo, sắn bùi cho chị chất liệu nhào nặn, tha hồ sáng tạo.
Chị theo mẹ đi chợ từ hồi tóc còn vun ngọn củ sả trước trán. Những phiên chợ thượng vàng hạ cám, người dạo chợ "trôi" trong dòng nắng bụi đẫm hương đẫm mật lóng lánh mồ hôi. Cô bé con đứng xem mẹ bán tò he, chốc chốc chạy coi võ sĩ mãi võ bên rìa chợ.
"Tui biết nặn tò he từ năm mười ba tuổi, bà nội tui làm ra chúng để mẹ tui bán chợ phiên. Tui ngó riết rồi quen. Dễ mà. Nặn ra rồi xếp thành hàng lớp đủ màu, vui lắm!".
Chợ Bình Định mỗi tháng sáu phiên: mùng ba, mùng tám, mười ba, mười tám, hăm ba, hăm tám. Bán không hết thì để dành sang phiên chợ khác, chợ Cây Bông, chợ Diêu Trì, chợ Đập Đá. Thích nhất là sau mỗi phiên chợ Đập Đá, tui được đi xe ngựa về nhà ngoại". Chị miên man trong hồi ức.
Lấy chồng rời quê năm mười chín tuổi. Thoắt thành góa phụ năm hăm tám tuổi, một nách bốn con thơ. Trong bóng ngày ảm đạm và bí bách mưu sinh, những con tò he bất chợt hiện về vẫy gọi chị. Và chị đã trở lại với nghề gia truyền.
Đời sống hẳn là nhọc nhằn có, cay đắng có, vì trông chị mảnh khảnh lam lũ thế kia, nhưng những gì hồn chị gạn lọc giữ gìn toàn là hồi ức đẹp. Những người con của chị đều được học hành, đều đã lập gia đình. Chị đã thành bà nội, bà ngoại của năm đứa cháu nhỏ, đã có thể rời cái nghề tỉ mỉ, cặm cụi, chiều xay bột lắng bột, chuốt que, đêm thức pha màu, nhồi nặn. "Tui làm đến thuộc lòng rồi. Bây giờ là làm cho vui, chỉ cần kiếm đồng cá đồng rau, khỏi dựa vào con. Lũ nhỏ biểu mẹ nghỉ ngơi để con nuôi, đừng ra chợ phơi nắng rồi đau ốm. Nhưng thôi nghề buồn lắm, trống trải lắm, mà ngồi không chưa chắc đã khỏe".
Quanh thế giới tò he sặc sỡ của chị, mỗi lúc một thêm đông người xúm xít, gái trai già trẻ, con nít con nôi. Một đôi vợ chồng trẻ bế cậu con nhỏ, rồi một bà già tóc bạc dắt một bé gái sà xuống chọn. Một con bao nhiêu? Dạ, ba con năm ngàn. Cháu thích con gì nào? Chó hay mèo? Gà hay công? Voi hử? Ngựa hử? Hay thỏ? Hay rùa?
Tiếng bà hỏi cháu đầy cưng nựng. Tôi như thấy lại bà ngoại dấu yêu và mình bên hàng tò he ngày xưa xa thẳm. Bà mua cho cháu cả cọp cả lân cả rồng cả phượng. Bà ơi cháu muốn ăn lân ăn rồng. Thế là những lân, những rồng được hấp cơm. Tò he hấp chín ngọt thanh, màu vẫn tươi trong không nhòe.
"Cục vàng của bà, thịt rồng có ngon không? Lân ngon hơn hay rồng ngon hơn? Cháu có thích không?" - "Thích lắm bà ơi!"
Ánh mắt say mê không dứt của trẻ nhỏ, nụ cười dịu dàng của người lớn, những màu sắc, âm thanh với người này là niềm vui, với người kia là đánh thức cả một miền thơ ấu. Ai bảo vật vô tri không mang hồn xứ sở?
Trần Thị Huyền Trang