Cô giáo phải quỳ gối trước phụ huynh: Chà đạp “Tôn sư trọng đạo“
Việc cô giáo phải quỳ gối xin lỗi trước phụ huynh, với sự chứng kiến của nhiều người khiến chúng ta phải nghĩ về giải pháp để giáo dục học sinh tốt hơn.
Vụ việc phụ huynh gây áp lực buộc một cô giáo trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An phải quỳ gối xin lỗi trước sự chứng kiến của nhiều người đang gây bức xúc dư luận.
Nhiều người cho rằng, hành động của phụ huynh không chỉ làm nhục, ảnh hưởng đến danh dự của nhà giáo mà còn làm xói mòn đạo đức con người, chà đạp lên truyền thống “Tôn sư trọng đạo”.
Trường Tiểu học Bình Chánh- nơi xảy ra vụ việc cô giáo phải quỳ gối trước phụ huynh (Ảnh: Dân trí)
Ngoài ra, việc bắt cô giáo phải quỳ gối suốt thời gian là 40 phút ngay tại trường học rất đáng bị lên án. Sự việc cũng cho thấy, việc giáo dục học sinh hiện nay khó khăn và phức tạp hơn nhiều nên cần phải đưa ra giải pháp hữu hiệu.
Thầy giáo Tôn Sỹ Dũng cho rằng, việc phụ huynh bắt cô giáo ở Long An phài quỳ gối đến 40 phút đã phá vỡ truyền thống “tôn sư trọng đạo”, tình nhân ái giữa con người đã không còn.
Cô giáo phải quỳ trong thời gian dài như vậy còn cho thấy cô đã đơn độc trước sức ép rất lớn của phụ huynh và cũng chỉ vì mưu sinh nên buộc phải làm như vậy.
Hình thức xử phạt học sinh bằng cách quỳ gối của cô giáo có thể phải xem xét lại nhưng cô giáo đã biết ra sai lầm và xin lỗi phụ huynh mà phụ huynh vẫn bắt cô giáo phải quỳ gối trong thời gian dài như vậy rất đáng bị lên án và xử lý. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý để răn đe, tránh trường hợp tương tự xảy ra nữa.
Đáng lẽ ra, thay vì bắt cô giáo phải quỳ gối thì phụ huynh nên cùng với nhà trường và giáo viên phân tích rõ nguyên nhân, có giải pháp xử lý tình huống thì sẽ không xảy ra vụ việc đau lòng trên.
Theo thầy Tôn Sỹ Dũng, hiện nay, nhiều gia đình rất nuông chiều con cái nên dẫn đến có học sinh chưa ngoan. Vì vậy, việc giáo dục các em nếu chỉ đổ dồn về phía nhà trường rất khó có thể thực hiện được. Để việc giáo dục con em tốt hơn, phụ huynh cần phải có sự phối kết hợp với nhà trường, giáo viên chứ không phải là bênh vực con quá mức.
Ứng xử sai với một việc làm sai thì hệ quả khôn lường
PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, Tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm nêu quan điểm, tấm gương đầu tiên và suốt đời cho con cái neo theo chính là cha mẹ. Cha mẹ ứng xử nhân văn sẽ tạo ra những đứa con sống độ lượng, nhân ái. Xã hội tương lai sẽ tốt đẹp hơn.
Bản tường trình của cô giáo về sự việc (Ảnh: Dân trí)
Ứng xử sai với một việc làm sai thì hệ quả khôn lường. Giáo viên ứng xử sai với hành vi sai của học sinh đã làm hỏng hình ảnh nhà giáo bao năm xây dựng. Uy tín mất, làm nghề cũng khó.
Phụ huynh ứng xử sai với hành vi chưa đúng của giáo viên làm cho con cái không còn niềm tin vào giáo dục thì con cái trở nên khó giáo dục hơn. Cha mẹ là người đầu tiên chịu hậu quả đó, sau là xã hội.
Theo bà Kim Thoa, một cá nhân thật khó để bảo vệ mình mặc dù họ phải chịu trách nhiệm về hành vi sai. Lãnh đạo nhà trường cần bên cạnh để bảo vệ cho thanh danh nhà giáo, xử lý thỏa đáng sự việc trước khi nó trở nên trầm trọng.
Mỗi giáo viên hãy luôn biết kiểm soát bản thân, luôn tĩnh tâm để sáng suốt lựa chọn cách giáo dục học sinh hiệu quả và đầy tình yêu thương. Tấm gương tốt cần được lan tỏa nhiều hơn.
Xã hội, các bậc phụ huynh cùng chung tay giáo dục con trẻ đúng cách. Những người lớn hãy “đóng cửa bảo nhau” để chúng ta có thể làm tròn vai của mình trong giáo dục.
Không một ai đúng trong sự việc này. Tất cả hãy cùng ngồi lại, không đổ lỗi nữa mà hãy bàn việc chúng ta cần làm gì để giáo dục con trẻ tốt hơn./.
Theo Bích Lan (VOV.VN)