Những cô giáo yêu nghề, yêu trẻ
Vất vả hơn nhiều đồng nghiệp khác khi có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng các cô giáo ấy đã không ngừng cố gắng để chu toàn việc trường, việc nhà.
“Giỏi việc trường, đảm việc nhà”
Năm học 2016 - 2017, nhiều giáo viên của Trường Tiểu học Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) đã vui mừng khi hay tin cô giáo Mai Thị Hạnh Tiếng đạt giáo viên chủ nhiệm lớp tiểu học giỏi cấp thành phố. Bởi họ biết ngoài giờ dạy trên lớp, về nhà chị phải chăm sóc mẹ chồng già yếu đau nằm một chỗ; chồng mắc bệnh ung thư vài tháng phải vào TP Hồ Chí Minh xạ trị, các con còn nhỏ trong đó có 1 cặp sinh đôi.
Cô giáo Hồ Mai Ly (thứ hai từ trái qua) luôn mong muốn sẽ truyền được cho học trò tình yêu quê hương, quý trọng tình cảm gia đình...
Khó khăn vậy nhưng năm nào cô giáo Tiếng cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. “Buổi sáng, mình đưa hai con đi học, trưa đi dạy về lo cơm nước cho cả nhà xong, tranh thủ chăm sóc cho mẹ, chiều lại đi dạy, đến tối lại cơm nước và chăm bà và cháu. Hai năm nay, tôi được phân dạy lớp 4, việc chuẩn bị để lên lớp nhiều hơn, may mà mọi thứ cũng đã vào guồng” - cô giáo Tiếng kể.
Cũng như cô Tiếng, cô giáo dạy môn Ngữ văn ở Trường THPT số 3 An Nhơn Phạm Thị Xuân cũng là một tấm gương vượt khó đầy nghị lực. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Lộc đã khẳng định vậy khi cho biết chồng chị bị thoát vị đĩa đệm nặng, thường xuyên phải đi điều trị, hai con trai đang tuổi ăn học, cần được chăm sóc nhiều. Vậy mà, “cô Xuân luôn tích cực và nhiệt tình tham gia vào mọi hoạt động thi đua của trường, của ngành. Vững chuyên môn, cô thường xuyên bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của trường đi thi cấp tỉnh và hầu như năm nào cũng đạt giải. Năm học 2014 - 2015, cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Năm 2017, sáng kiến kinh nghiệm của cô cùng một đồng nghiệp trong trường đã được hội đồng khoa học ngành GD&ĐT đánh giá cao và trao giải!”, thầy Lộc cho biết.
Không chỉ làm tròn trách nhiệm một giáo viên
Hơn 10 năm qua, không chỉ học trò, mà cả nhiều phụ huynh ở xã Nhơn Châu hay nhắc đến cô Hồ Mai Ly giáo viên dạy Mỹ thuật của Trường PTCS Nhơn Châu, TP Quy Nhơn. Gia đình cô Ly gần như trông hẳn vào thu nhập từ đồng lương giáo viên của cô, bởi người chồng không có công việc ổn định. Là giáo viên Mỹ thuật duy nhất trên đảo nên cô Ly dạy cả 9 khối lớp (từ 1-9), kiêm môn Giáo dục công dân, làm công tác thiết bị và làm chủ nhiệm lớp... Thế nhưng, nói về chuyện này, cô Ly đáp cứ nhẹ không, đó là công việc mà mình yêu thích, mình chọn nghề và được nghề chọn. Mình dạy học, ngoài kiến thức ra, học trò rất cần ở mình sự gần gũi, thân thiện. Thông qua những bài giảng, tôi mong sẽ truyền cho học trò tình yêu quê hương, quý trọng tình cảm gia đình, có ý thức gắn bó, bảo vệ những gì mình yêu quý.
Có bao nhiêu năm đứng lớp là bấy nhiêu năm cô giáo Trần Thị Thùy Lưỡng (Trường Mẫu giáo Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn) thương yêu học trò như con cháu của mình. Quyết không để trẻ thiếu thốn đồ dùng, đồ chơi, cô và các đồng nghiệp đã nhiều lần bỏ tiền túi ra mua rồi đi vận động các nhà hảo tâm quen biết để xin tiền mua sắm đầy đủ cho trẻ.“Đa số phụ huynh của trường có hoàn cảnh khó khăn. Vất vả lắm mới thuyết phục họ cho trẻ ở bán trú. Việc đóng tiền ăn hàng tháng có khi còn không đầy đủ nên không nghĩ gì đến việc vận động thêm. Yêu trẻ, hiểu được sự thiệt thòi của các em, tôi và các cô giáo ở trường luôn nhắc mình phải làm nhiều hơn trách nhiệm của một cô giáo với trẻ”, cô Lưỡng tâm sự.
NGỌC TÚ