Có nên viết tắt tên nước mình?
Có một hiện tượng đáng suy nghĩ hiện nay là hầu hết trên các mặt báo, trong nhiều văn bản hành chính, trong khi tên của các nước trên thế giới được viết đầy đủ thì tên nước Việt Nam lại bị viết tắt thành “VN”.
Chẳng hạn, báo Thanh Niên điện tử ngày 4.3.2018 có bài “Hàn Quốc viện trợ VN 10.000 tấn gạo”; báo Tuổi Trẻ điện tử ngày 1.3.2018 có bài “Bộ Ngoại giao VN: Tàu sân bay Mỹ giúp thúc đẩy quan hệ song phương”. Hay như, báo Người Lao Động điện tử ngày 28.1.2018 có bài “AFC quá cẩu thả ở trận U23 VN - U23 Uzbekistan”. Những trường hợp như trên rất nhiều, nhưng rất may mắn người viết chưa tìm thấy hiện tượng này ở báo Bình Định. Có thể nói gì từ hiện tượng viết tắt này?
Viết tắt là hiện tượng phổ biến trong nhiều ngôn ngữ. Mục đích chủ yếu của nó là nhằm tiết kiệm trong hoạt động giao tiếp. Viết tắt trong tiếng Việt không những có số lượng lớn mà còn khá đa dạng, phức tạp. Ở một số lĩnh vực, nhất là báo chí, viết tắt không chỉ đáp ứng tính cơ động, nhanh gọn của ngôn ngữ báo chí, mà còn giúp tiết kiệm không gian mặt trang. Viết tắt tên nước Việt Nam thành “VN” cũng không nằm ngoài lý do trên. Thế nhưng, liệu việc này có quá cần thiết như vậy không?
So với những từ thông thường khác, tên nước là tiếng gọi thiêng liêng, viết tắt tên nước có gì đó làm giảm đi sự thiêng liêng, tôn kính. Mặt khác, chúng ta gần như không viết tắt tên các nước khác trên thế giới, trừ một vài trường hợp hạn hữu kiểu như UAE (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất). Vậy thì sao tên của nước mình lại đem viết tắt? Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, trong thời phong kiến, khi xưng “Đại Việt”, ông cha ta đã thể hiện cao độ ý thức tự tôn và bình đẳng dân tộc (các triều đại Trung Hoa vốn ngạo nghễ cho rằng chỉ có họ mới được xưng là Đại Đường, Đại Tống, Đại Minh, các dân tộc còn lại là man di, không được tự xưng như thế...).
Trong ngôn ngữ thường ngày, đặc biệt là ngôn ngữ báo chí, thiết nghĩ, để thể hiện được sự tôn nghiêm đối với tên gọi một quốc gia, nên viết đầy đủ là “Việt Nam”.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ