Tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ
Những năm qua, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với Ban quản lý Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (Dự án CRSD) tỉnh đã triển khai thành lập nhiều mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở nhiều địa phương ven biển trong tỉnh; góp phần bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ, đem lại sinh kế cho người dân.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện nay, tình trạng sử dụng nghề cấm để khai thác thủy sản ven bờ đã giảm so với trước đây, nhưng vẫn còn tiếp diễn tại một số địa phương. Tại 32 xã, phường ven đầm, ven biển trong tỉnh vẫn còn 98 phương tiện xung điện, xiết máy; 95 phương tiện xung điện cầm tay; 793 hộ sử dụng lưới lồng để khai thác thủy sản; 15 máy bơm hút nhuyễn thể… hoạt động ngày đêm trên các đầm Trà Ổ, Đề Gi, Thị Nại. Ngoài ra, ở một số xã, phường ven biển vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác thủy sản bằng chất nổ...
Tổ đồng quản lý bảo vệ NLTS xã Nhơn Hải đo kích thước rùa biển và bảo vệ rùa đẻ.
Việc khai thác thủy sản bằng nghề cấm theo kiểu tận diệt không chỉ khiến nguồn lợi thủy sản (NLTS) gần bờ suy giảm mạnh, mà còn gây ô nhiễm nguồn tài nguyên nước và môi trường. Bà Nguyễn Hải Bình, Trưởng phòng Khai thác & phát triển NLTS (Chi cục Thủy sản tỉnh), cho biết: Việc thành lập mô hình đồng quản lý bảo vệ NLTS là cần thiết và đã đem lại hiệu quả thiết thực ở các địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 20 mô hình đồng quản lý bảo vệ NLTS. Chi cục Thủy sản hỗ trợ kinh phí hoạt động cho 8 mô hình; Dự án CRSD hỗ trợ hoạt động 12 mô hình. Trong đó, có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả ở các địa phương như: Phước Sơn (huyện Tuy Phước), Mỹ Châu (Phù Mỹ), Nhơn Hải, Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn)…
Ông Nguyễn Minh Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, cho hay: “Tổ đồng quản lý bảo vệ NLTS của xã thường xuyên phối hợp với Thanh tra thủy sản, Đội phòng chống xung điện xiết máy của huyện, CA huyện tổ chức tuần tra, phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm khai thác thủy sản, thu giữ nhiều phương tiện xung điện, xiết máy. Nhờ đó, hạn chế được việc khai thác trái phép NLTS trên đầm Thị Nại; nhận thức của người dân về bảo vệ NLTS cũng được nâng lên”.
Trong năm 2017, Chi cục Thủy sản tỉnh đã phối hợp các địa phương tổ chức tuyên truyền bảo vệ NLTS cho hơn 12.000 lượt người dân. Đồng thời, phối hợp tổ chức 104 chuyến tuần tra, kiểm soát bảo vệ NLTS trên địa bàn tỉnh, phát hiện và xử lý 68 trường hợp vi phạm các quy định về bảo vệ NLTS… xử phạt trên 84 triệu đồng, tịch thu các công cụ nghề cấm.
Thông qua hoạt động đồng quản lý bảo vệ NLTS ven bờ, các địa phương cũng đã chủ động tổ chức 134 đợt tuần tra; Chi cục Thủy sản tổ chức 28 đợt tuần tra. Qua đó, phát hiện 44 vụ vi phạm khai thác thủy sản bằng xung điện, xiết máy, đánh cá bằng chất nổ, bơm hút phễnh… xử phạt trên 57 triệu đồng và thu giữ các tang vật.
Ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: Mô hình đồng quản lý bảo vệ NLTS hoạt động trên tinh thần tự nguyện là chính, nhưng đã được chính quyền, nhân dân các địa phương tích cực hưởng ứng, đạt hiệu quả cao. Nhưng khó khăn hiện nay là các văn bản pháp luật chưa quy định quyền xử phạt cho các nhóm hạt nhân, tổ đồng quản lý bảo vệ NLTS. Tuy nhiên, tại Điều 10 của Luật Thủy sản 2017 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2019) quy định hoạt động đồng quản lý bảo vệ NLTS sẽ được quyền quản lý, bảo vệ, xử lý các hành vi vi phạm về khai thác thủy sản trong khu vực được giao quyền; đây là “bước ngoặt” mới trong hoạt động bảo vệ NLTS.
“Đến thời điểm Luật Thủy sản có hiệu lực, Chi cục Thủy sản sẽ tiến hành phối hợp các địa phương kiểm tra, củng cố lại hoạt động các tổ đồng quản lý để hoạt động bài bản hơn”, ông Dương cho hay.
NGỌC NHUẬN