Nguyễn Trần Thiên Lộc: Một nhà văn của tuổi thơ
Tháng 2.2018, Nguyễn Trần Thiên Lộc (27 tuổi, quê Bình Ðịnh) đã trở thành một trong những hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Dứt khoát lựa chọn con đường viết cho thiếu nhi, anh đang mở ra một thế giới đồng thoại hấp dẫn.
Làm bạn với trẻ thơ
Năm 17 tuổi, Thiên Lộc đã ra mắt tập truyện đồng thoại đầu tay Lắng nghe muông thú (NXB Thanh niên, 2007). Rời quê nhà Bình Định vào đại học ở TP Hồ Chí Minh, ban đầu anh viết rồi chào hàng in, sau đó được một số nhà xuất bản để mắt đặt hàng. Năm 2012, tác phẩm Kèng kẹc học chữ của chàng sinh viên này đoạt giải ba (không có giải nhất, nhì) cuộc thi “Thiên nhiên, môi trường, khuyến đọc, bình đẳng giới và các nghề thủ công truyền thống” của Room to Read phát động; ra mắt tập truyện đồng thoại Những cuộc phiêu lưu của Mũi Đỏ và Răng Nhỏ.
Tốt nghiệp đại học rồi đi làm, Thiên Lộc tiếp tục hành trình trên cánh đồng chữ nghĩa; đều đặn ra sách và tìm được bạn đọc của mình. Riêng trong năm 2017, NXB Kim Đồng đã in 4 tập truyện thiếu nhi của anh, gồm: Giải cứu công chúa; Chuột đồng mê lúa; Gà choai trồng bắp; Vườn đậu của Giun.
Trong thế giới đồng thoại, Thiên Lộc là người bạn của trẻ thơ, anh có lối kể chuyện, trò chuyện tự nhiên, đôi khi đó là những câu hát thú vị: “… con cáo không còn nghe tôi nữa. Nó đã bị kích động thực sự. Nó bắt đầu nhảy múa quanh phòng và hát nho nhỏ: Không còn những cái bẫy/Không còn khẩu súng săn/Không còn thiếu thức ăn/Không còn lo bị đói…” (Truyện Một khu bảo tồn thì sao nhỉ?). Hay anh viết: “Chợt mỗi buổi trưa nào cuối hạ, người ta thấy bác Giun đất dừng cày xới, mấy thằng Se Sẻ ngừng đánh nhau, bọn Ve Sầu thôi ra rả. Tất cả đều lặng đi để nghe lũ học trò của thầy Cóc Cọt lại nghêu ngao dưới bụi chuối già: Thầy đồ Cóc dạy các con/Đi học về phải chăm ngoan nghe lời/Không được la cà rong chơi/Nếu không thầy sẽ cầm roi đánh đòn…” (Truyện “Thầy Cóc Cọt lên trời”)…
Tôi muốn chia sẻ một phần tuổi thơ mình
Thiên Lộc nói về cơ duyên gắn với văn học thiếu nhi: “Thuở bé, tôi thường cùng bạn bè lang thang trong bãi đất trống trước nhà, rình bắt châu chấu, chuồn chuồn trong bụi cỏ hay vớt nòng nọc từ các vũng nước sau mưa. Tôi đem tất cả những con vật mình bắt được về nhà nuôi, ao ước có thể nói chuyện, kết bạn và chơi đùa cùng chúng. Nhưng suốt thời thơ ấu, với cách làm quen đầy cưỡng ép và bạo lực, rốt cuộc chẳng có con vật nào chịu làm bạn với tôi. Khi đã lớn, ý định trò chuyện với loài vật từ thuở bé chưa khi nào nguôi lặng trong tâm hồn tôi và tôi nuôi dưỡng tình yêu thơ dại ấy trên trang sách. Ước mơ ấy thành nguồn cảm hứng chủ đạo cho những cuốn sách thiếu nhi của tôi”.
Một số đầu sách thiếu nhi của Nguyễn Trần Thiên Lộc. Ảnh: H.P
Trong sáng tác, Nguyễn Trần Thiên Lộc thường gửi gắm những phản ứng nghiêm khắc về cách con người ứng xử với thiên nhiên. Và anh dồn hẳn tâm sức cho truyện đồng thoại, một mảng trống lớn trong văn học thiếu nhi hiện nay.
Nhà văn Trần Nhã Thụy nhận xét: “Có lẽ “duyên văn” bén sớm như vậy là nhờ “gien chữ” thừa hưởng từ ba mẹ (anh là con trai của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng và nhà văn Trần Thị Huyền Trang). Giọng văn trong trẻo, câu chữ nhẹ nhàng hàm súc, cuốn sách không chỉ là những câu chuyện tưởng tượng mà còn là những cuộc đối thoại giữa trẻ em với muông thú, giữa trẻ em và người lớn”.
Thiên Lộc bộc bạch: “Các nhà văn đã chia sẻ cho tôi tuổi thơ diệu kỳ của họ, đã gắn kết tôi với văn chương bằng những câu chuyện hấp dẫn, tuyệt vời. Tôi cũng muốn được chia sẻ một phần tuổi thơ mình với mọi người. Riêng với các em nhỏ, tôi còn nuôi hy vọng rằng, những câu chuyện của mình sẽ may mắn được góp một đốm lửa nhỏ vào tình yêu văn chương đang lớn dần trong mỗi tâm hồn thơ bé”.
Vẫn hiểu, những nghề sáng tạo luôn cần một chút may mắn và chưa thể nói trước được điều gì, nhưng với những gì đã thể hiện, có thể hy vọng rất nhiều về một Nguyễn Trần Thiên Lộc với những tác phẩm dành cho thiếu nhi.
Nhà văn Nguyễn Trần Thiên Lộc sinh 1990 tại Bình Định, hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Tác phẩm đã xuất bản: Lắng nghe muông thú (NXB Thanh niên 2007); Những cuộc phiêu lưu của Mũi Đỏ và Răng Nhỏ (NXB Văn học 2012); Kèng kẹc học chữ (NXB Kim Đồng 2012); Út Nhiếp tập bay (NXB Kim Đồng 2013); Chật chội quá! (NXB Kim Đồng 2013); Giải cứu Chép Trắng (NXB Văn học 2014); Bữa tối của Sói (NXB Văn học 2014; Tiệm bánh của Hổ (NXB Văn học 2015); Giải cứu công chúa, Chuột đồng mê lúa, Gà choai trồng bắp, Vườn đậu của Giun (NXB Kim Đồng 2017)…
Một số tác phẩm của anh đã được in bằng tiếng Italia, Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Ba Lan, Phần Lan….
ĐÀO ĐỨC TUẤN