Làng Tà Lét bình yên
Làng Tà Lét, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh có hơn 42 hộ dân người Bana đang chăm chỉ lao động, đoàn kết, cùng nhau sinh sống. Hơn 20 năm qua, ở đây chưa xảy ra vụ việc nào liên quan đến ANTT. Không có trộm cắp, đánh nhau, không còn nạn mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu đã dần được loại bỏ. Nhiều người dân ở làng vươn lên làm giàu bằng nghề trồng keo, làm rẫy. Đại tá Nguyễn Văn Kết, Phó trưởng CA huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Từ phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, người có uy tín và tổ an ninh nhân dân ở đây đều hoạt động nhịp nhàng, góp phần quan trọng làm cho địa bàn luôn “sạch”, không tội phạm, an ninh tuyến núi được giữ vững”.
Người có uy tín cùng CA huyện thường xuyên gần gũi, giải quyết các yêu cầu có liên quan đến ANTT của làng.
Tại làng Tà Lét, ngoài ông Đinh Biên (65 tuổi) còn có bà Mai A (70 tuổi) cũng là người uy tín của làng. Hai người từng hoạt động cách mạng, có mặt ở làng từ những năm kháng chiến và gắn bó với làng Tà Lét như máu thịt của mình. Thời bình, họ sống chan hòa, yêu thương bà con, mẫu mực nên đều được dân làng kính trọng. Ở làng, nếu ông Biên thường là nơi để người dân nói những yêu cầu của mình với chính quyền địa phương thì bà Mai A là người chuyên hòa giải những mâu thuẫn vợ chồng, xích mích trong nội bộ nhân dân. Họ là cầu nối giữa dân làng với chính quyền địa phương. Tất cả những yêu cầu, khúc mắc nảy sinh trong nội bộ nhân dân, người đầu tiên người dân tin tưởng chia sẻ là ông Biên, bà A. Lực lượng CA huyện Vĩnh Thạnh, CA xã Vĩnh Hiệp đã gần gũi, tranh thủ động viên người có uy tín phát huy trách nhiệm của mình. Vì vậy, tại làng Tà Lét, người có uy tín luôn làm tốt mọi nhiệm vụ được giao, nổi bật là công tác hòa giải, bình xét hộ nghèo. Tất cả được đưa ra dân làng bàn bạc, bình bầu công khai, rõ ràng, hợp lòng dân.
Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc ở đây cũng phát triển mạnh, huy động sự tham gia đông đảo của người dân trong làng. Có thể ví dụ bằng phong tục gõ kẻng của dân làng khi có việc xảy ra. Là người dân trong làng, ai cũng thuộc lòng những quy định tiếng kẻng: Họp mặt dân tại nhà rông đánh 6 tiếng tiếng, 3 hồi dài; đánh 3 tiếng kẻng, 2 hồi dài là tụ họp mọi người khi ai đó phát hiện kẻ lạ mặt đến làng; gõ 3 tiếng là báo hiệu có trộm cắp; 4 tiếng là có đánh nhau; 5 tiếng là có cháy, 2 tiếng là báo động cần huy động thanh niên... Vì vậy, khó có đối tượng trộm cắp, đối tượng truyền đạo lạ mặt nào đến làng mà hoạt động được.
Thành Long