Cô giáo quỳ gối trước phụ huynh: Lỗi hệ thống trong hành xử
Giá như giáo viên có phương pháp đúng, giá như các phụ huynh biết điểm dừng trong hành xử thì đâu có chuyện bức bối xảy ra…
Một giáo viên của Trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) xử phạt học sinh vi phạm nội quy bằng hình thức quỳ gối. Sau hình phạt này, một số em sợ không đi học.
Trường Tiểu học Bình Chánh - nơi xảy ra vụ việc đáng tiếc.
Rồi 4 phụ huynh có con bị phạt cho rằng cách giáo dục của cô giáo vượt quá chuẩn mực sư phạm. Họ đã kéo tới trường lớn tiếng phản ánh, gây áp lực cho dù cô giáo đã nhận sai và gửi lời xin lỗi đến phụ huynh, hứa khắc phục sai sót. Và cuối cùng, giáo viên phải quỳ xuống để xin lỗi họ.
Sự việc này đã gây tranh cãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội.
Trước hết, có thể khẳng định, hành xử của giáo viên và phụ huynh đều sai. Đáng lẽ sự việc nên được kết thúc khi cô giáo đã nhận ra lỗi của mình và xin lỗi. Cô giáo sai đến đâu đã có pháp luật, nhà trường xử lý, chứ các phụ huynh không thể thay mặt luật pháp để “xử” cô giáo theo kiểu “luật rừng” như vậy được. Cách hành xử của giáo viên và phụ huynh gây tổn thương lớn nhất cho học sinh chứ không phải ai khác. Cô giáo có nhiều cách để dạy bảo học trò. Phụ huynh thì cần bình tĩnh, hành xử chuẩn mực tìm ra giải pháp để cùng phối hợp dạy dỗ con trẻ thì chuyện đâu đến nỗi.
Nhân đây mới thấy nhiều phụ huynh hiện đang can thiệp quá sâu vào công việc của nhà trường, của lớp nên đã khiến cho việc dạy bảo các em trở nên khó khăn hơn. Các em ỷ thế có bố mẹ, người nhà bênh vực cho các sai phạm của mình để bất chấp những dạy bảo, răn đe của giáo viên. Còn giáo viên, dường như bất lực trước những cô cậu học trò, không biết tìm phương pháp nào hiệu quả mà chỉ nghĩ đến hình phạt, đòn roi. Thậm chí nhiều thầy cô còn có tâm lý, việc mình chỉ cần dạy kiến thức là xong còn học sinh muốn làm gì thì làm, sợ động vào các em rồi lại rước phiền phức cho mình.
Những người từng đi học phổ thông thế hệ 7x, 8x và trước nữa, chắc chắn sẽ còn nhớ như in hình ảnh những học sinh cá biệt, nghịch ngợm trong lớp thường phải chịu những hình phạt khá khắt khe, bị ăn vọt, véo tai… là chuyện bình thường. Nhưng hiếm khi có chuyện cha mẹ học sinh kéo đến trường để làm ầm ĩ lên. Bởi ai cũng hiểu, con mình chắc chắn phải có lỗi, phải hư thì mới bị thầy cô xử phạt. Còn các cô, cậu học trò dù bị ăn phạt nhưng không dám “mách” bố mẹ vì sợ sẽ lại bị ăn đòn.
Thực tế hiện nay, đã có nhiều em phải chịu những trận đòn roi quá nặng nề, khiến dư luận phải lên án. Và những thầy cô đó đều đã phải chịu những hình phạt của luật pháp.
Xã hội dần phát triển, mọi người đều lên án việc giáo dục bằng đòn roi và đề cao “kỷ luật không nước mắt”. Kỷ luật không đòn roi trở thành xu thế tất yếu của sự phát triển của xã hội văn minh. Thế nhưng, không đòn roi không có nghĩa là cha mẹ, thầy cô phải chiều theo mọi ý muốn của con trẻ. Ai cũng thừa nhận, trẻ em ngày nay được chiều chuộng quá đà. Nhiều gia đình 6 người (ông bà nội, ngoại, bố mẹ) chỉ “hầu hạ”, cung phụng một đứa trẻ nên chúng nảy sinh những tư tưởng, suy nghĩ rất ích kỷ, chỉ biết làm theo ý muốn, sở thích của bản thân. Ai động vào con cháu họ là động vào lửa, vào tự ái cá nhân, sự danh giá của gia đình…
Họ đã quên rằng, giáo dục con trẻ phải là sự kết hợp hài hòa, thường xuyên giữa nhà trường và gia đình. Không thể có chuyện đứa trẻ về mách bố mẹ rằng con bị phạt lập tức cha mẹ “nhảy” dựng lên đòi “xử” cô giáo, thầy giáo. Làm như vậy, đứa trẻ sẽ không còn tôn trọng thầy cô, tự đề cao bản thân, bất chấp mọi kỷ luật. Khi các con có những suy nghĩ, tư tưởng lệch lạc, méo mó, sẽ ảnh hưởng đến nền tảng đạo đức, hành xử chung của xã hội. Chúng ta không thể trông mong vào một thế hệ tương lai sống không có kỷ luật, không biết nghe lời người khác, làm gì cũng chỉ biết đến bản thân… và sẵn sàng dùng “luật rừng” để xử lý mọi mâu thuẫn./.
Theo VOV