Tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp: Giúp học sinh hiểu và lựa chọn đúng
Theo nhiều giáo viên dạy lớp 12, cho đến nay, vẫn đang có không ít học sinh chưa xác định rõ ngành, nghề mình sẽ chọn. Vì thế việc tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp cho học sinh không chỉ vào giai đoạn chuẩn bị làm hồ sơ mà quan trọng hơn, cần triển khai thường xuyên trong năm. Việc tư vấn chỉ thực sự có ý nghĩa khi hài hòa, đáp ứng cùng lúc nhiều nhu cầu của học sinh.
Chương trình tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh do Trường THPT Hòa Bình (TX An Nhơn) phối hợp với các cựu học sinh đã và đang theo học các trường ĐH trong cả nước tổ chức vào ngày 11.2.2018 mang lại nhiều hiệu quả rất thiết thực.
Những hình thức tư vấn hiệu quả
Một trong những hình thức tư vấn được đánh giá đạt hiệu quả khá tốt và đang được nhiều trường thực hiện là mời các cựu học sinh (đang học ĐH và đi làm sau khi tốt nghiệp ĐH) về tư vấn cho thế hệ đàn em. Trước khi buổi tư vấn diễn ra tại trường, các học sinh lớp 12 soạn sẵn câu hỏi và thường được các anh, chị giải đáp tận tình. Theo đánh giá của các hiệu trưởng, nhờ có sự tư vấn sát thực tế như vậy mà việc chọn ngành, nghề của học sinh cũng dần chính xác, phù hợp.
“Cái quan trọng là các em được người đang làm ngành nghề công việc đấy nói về nó, nói cả về những điều kiện học hành, rồi học thi ra sao để đậu. Một số em mạnh dạn chia sẻ lực học của mình, tính cách của mình và được các cựu học sinh đưa ra những lời khuyên rất thực tế”, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Bình (TX An Nhơn) Huỳnh Ngọc Mai trao đổi.
Đồng ý cho một số trường ĐH đến tư vấn trực tiếp cho học sinh tại trường là cách mà một số trường tạo cơ hội để học sinh của mình được trao đổi trực tiếp với ban tuyển sinh của trường đó. “Nhiều học sinh của trường đang theo học tại Trường CĐ Bình Định, vì vậy, trường CĐ ngỏ ý muốn đến tư vấn cho các em lớp 12. Xét thấy đây cũng là nguyện vọng của đa số học sinh cuối cấp nên ban giám hiệu đã đồng ý để một vài tuần nữa họ đến tư vấn”, Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Trần Xuân Bình thông tin.
Bên cạnh việc cậy đến “ngoại lực”, đa số trường THPT đều thành lập ban tư vấn để hỗ trợ cho học sinh lớp 12. Nhiều năm qua, Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Tây Sơn) không còn cảnh từng nhóm học sinh “rủ rê” nhau vào học cùng một trường ĐH nữa là nhờ những sự tư vấn, định hướng đến từng học sinh của ban tư vấn. Hiện tại, Ban tư vấn Trường THPT Nguyễn Huệ đã được thành lập, gồm có 6 thành viên trong đó có lãnh đạo nhà trường và Ban chấp hành Đoàn trường.
Nhiều học sinh muốn biết, nếu học tốt ngành học mình chọn, liệu có đáp ứng được nhu cầu của xã hội, của nhà tuyển dụng khi tốt nghiệp ra trường.
- Trong ảnh: Học sinh và phụ huynh tìm hiểu về trường đại học mình muốn đăng ký tại Ngày hội tư vấn xét tuyển cao đẳng, đại học năm 2017 do Báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức.
Giúp học sinh hiểu rõ mình
Cùng với sự nhanh nhạy vào cuộc của các phương tiện truyền thông đại chúng, hầu như toàn bộ thông tin liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và phương án tuyển sinh của các trường ĐH đều đã và đang được cập nhật, đăng tải đầy đủ trên các mặt báo, trang web. Bởi thế, nhiều học sinh cho rằng, không cần thiết lắm nếu các trường về tiếp tục giới thiệu về mình. Tuy nhiên, trong tâm thế “đứng giữa đôi đường” như hiện nay, các em cần chuyên gia tư vấn về tâm lý hơn.
Bà Quách Nguyễn Huyền Trân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ kể, năm ngoái, từ sự giới thiệu của Tỉnh đoàn, một chuyên gia tư vấn đã về trường, tư vấn cho các em những định hướng để chọn ngành, nghề phù hợp. “Lần tư vấn ấy thật hiệu quả, các em đã biết mình phải căn cứ vào những tiêu chí nào để chọn ngành và định hướng nghề nghiệp tương lai. Hiệu quả thể hiện qua việc đa số các em lựa chọn đúng năng lực, nhờ vậy tỉ lệ đỗ CĐ, ĐH tăng lên”, bà Trân cho biết.
Bày tỏ mong muốn tiếp tục có được những chuyên gia tư vấn hiệu quả như vậy, bà Trân cho rằng, bên cạnh những thông tin liên quan đến tuyển sinh, các em thực sự cần những nhà tư vấn tâm lý. Bởi sau 12 năm học, các em cần có sự lựa chọn đúng đắn nhất cho nghề nghiệp tương lai mà mình sẽ gắn bó có khi suốt cả cuộc đời. Muốn vậy, học sinh phải hiểu được mình, biết rõ mình phù hợp với cái gì.
Thạc sĩ tâm lý Đào Thị Hồng (Trường CĐ Bình Định):
Các em hãy đặt ra cho mình những câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời thích hợp nhất. Chẳng hạn, mình có năng khiếu gì, nếu vào học ngành đó rồi đi làm nghề đó mình sẽ gặp thuận lợi gì, khó khăn gì, liệu mình có thể đáp ứng được không? Nên tìm kiếm nhiều nguồn thông tin, nhiều kênh tư vấn, rồi soát xét, liệu toan. Không nên hùa theo bạn bè, không quyết định một cách tùy hứng, thiếu suy nghĩ, ít tham khảo, tham vấn.
NGỌC TÚ