Thận trọng với tín dụng “đen”
Gần đây, trên địa bàn tỉnh nổi lên tình trạng các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để cho vay với lãi suất cao không nằm trong hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng nhằm thu lợi bất chính. Ðiều này đã gây ra nhiều hệ lụy nhất là mất ANTT xã hội ở địa phương.
Quang cảnh một phiên tòa xét xử tội bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ.
Khó xử lý người cho vay
Theo thống kê của Viện KSND tỉnh, từ ngày 1.12.2016 đến ngày 28.2.2018, Viện đã thụ lý kiểm sát điều tra cả cũ lẫn mới 5 vụ/8 bị can liên quan đến tín dụng “đen”, chiếm đoạt trên 55,5 tỉ đồng, lãi suất vay từ 0,2 - 21%/tháng; tuy nhiên, cơ quan chức năng không xử lý hình sự người cho vay lãi nặng theo Điều 163/BLHS năm 1999 được. Đơn cử vụ án Lâm Vũ Quốc Tuấn phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bị Cơ quan Cảnh sát điều tra CA tỉnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can vào ngày 29.12.2016. Theo hồ sơ, trong khoảng thời gian từ ngày 18.7.2016 đến 30.8.2016, các chị N.T.T.L., L.T.T.D., L.T.T.K., N.T.K.L và N.K.Th. vì ham cho vay lãi suất cao, nên khi nghe Tuấn đặt vấn đề vay tiền để đáo hạn ngân hàng cho khách với lãi suất từ 6 - 12%/tháng, L., D., K., L. và Th. đã đồng ý cho Tuấn vay trên 5,7 tỉ đồng. Sau khi nhận được số tiền này, Tuấn trả lãi vay 770 triệu đồng, chiếm đoạt không trả số tiền trên 4,9 tỉ đồng. Hành vi lừa đảo của Tuấn bị TAND tỉnh đưa ra xét xử ngày 27.10.2017 và tuyên phạt với mức án 10 năm tù giam. Riêng hành vi cho vay lãi nặng của 5 bị hại L., D., K., L. và Th. không xử lý hình sự được.
Theo Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Văn Sang: Điều luật quy định, để thỏa mãn cấu thành cơ bản của tội này phải đảm bảo 2 điều kiện. Đó là, phải có hành vi cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên; phải có tính chất chuyên bóc lột. Tuy nhiên, trên thực tế, rất khó chứng minh lãi suất cho vay vì trong giấy mượn tiền không ghi lãi suất mà chỉ thỏa thuận miệng giữa hai bên, do đó rất khó thu thập tài liệu chứng minh lãi suất cho vay trên 10 lần cho phép. Mặt khác, khi cơ quan chức năng chứng minh được lãi suất cho vay trên 10 lần cho phép, nhưng lại không chứng minh được tính chất chuyên bóc lột nên từ trước đến nay vẫn chưa xử lý hình sự được trường hợp nào.
Những tờ rơi quảng cáo cho vay với thủ tục nhanh chóng, đơn giản được dán khắp nơi. Ảnh minh họa
Thận trọng để tránh hậu quả
Hiện nay, để thu hút người vay, các đối tượng tổ chức phát tờ rơi, hoặc dán tại các trụ điện, các giao lộ có đèn giao thông, vách tường nơi công cộng với nội dung: cho vay lãi suất ưu đãi, không cần thế chấp, thủ tục dễ dàng, nhanh gọn..., kèm theo số điện thoại di động để tiện liên lạc. Bên cạnh đó, để ràng buộc người vay, chúng có thể làm hợp đồng với hình thức cho vay, mượn tiền, tuy nhiên không ghi lãi suất, hoặc lãi suất trong giới hạn cho phép. Thường thì các đối tượng chỉ ghi tổng số tiền nợ, đã bao gồm lãi suất, nhằm lách các quy định của pháp luật về hoạt động cho vay nặng lãi. Thực chất, người vay sẽ phải trả lãi suất từ 10%/tháng hoặc cao hơn. Và trên thực tế cũng đã xảy ra nhiều trường hợp người vay không trả được khoản vay đúng hẹn, nên chủ nợ sử dụng phương thức uy hiếp đòi trả nợ bằng cách bắt giữ người trái pháp luật hoặc cưỡng đoạt tài sản. Như trường hợp của bị cáo Đặng Thị Ngọc Út (Tây Sơn) cùng đồng bọn phạm tội bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản. Trước đó, bà Trần Thị Mai có vay của Út 35 triệu đồng, sau đó lẩn tránh không trả. Út cùng đồng bọn bắt, giữ bà Mai tại TP Quy Nhơn, rồi đưa đến huyện Vĩnh Thạnh để đòi nợ. Út còn có hành vi khống chế chiếm đoạt 900 ngàn đồng của bà Mai, gọi điện thoại cho chồng bà Mai đe dọa nhằm chiếm đoạt số tiền 30 triệu đồng. Hay như trường hợp em V.T.T. (TP Quy Nhơn) mượn 2 triệu đồng, có viết giấy nợ của Nguyễn Thế Vinh và giao kèo trả góp mỗi ngày 200 ngàn đồng trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên T. đã không có khả năng trả nên Vinh bắt giữ và cưỡng dâm T.
Vì vậy, để tránh dính vào tín dụng “đen”, đối với những người dân có tiền nhàn rỗi không nên ham lời mà cho vay với lãi suất cao, sau đó bị người đi vay chiếm đoạt. Đối với những người chuyên cho vay, cần phải hiểu rõ và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về hoạt động cho vay. Nếu vì quá ham lời mà cho vay với lãi suất vượt mức pháp luật cho phép, có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2018 đã có sửa đổi và quy định mới về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Cụ thể tại Điều 201/BLHS năm 2015: Trong giao dịch dân sự, người cho vay chỉ cần cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự (hiện nay mức lãi suất cao nhất được thỏa thuận trong các hợp đồng dân sự vay tài sản là 20%/năm), thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng đã bị xử lý hình sự”.
Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Văn Sang
KIỀU ANH