“Chuyển động” trong công tác khám, chữa bệnh BHYT
Ngày 26.9.2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 27-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác khám, chữa bệnh BHYT. Ra đời “trúng” thời điểm, Chỉ thị này đã tạo chuyển biến tích cực trên nhiều mặt.
Trong những năm gần đây, nhất là giai đoạn 2016 - 2017, việc thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc. Các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) chưa kịp thích ứng với mô hình quản lý mới từ bao cấp sang tự chủ về tài chính. Cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ chưa thay đổi tương xứng với giá dịch vụ tăng. Một số cơ sở KCB (đặc biệt là ngoài công lập) lạm dụng dịch vụ kỹ thuật, thu hút người bệnh để tăng thu. Nhiều vấn đề chưa thống nhất giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam trong chỉ đạo gây ra khó khăn cho công tác KCB và thanh toán BHYT. Việc thông tuyến còn bất cập dẫn đến gia tăng chi chí KCB, quỹ BHYT không cân đối được thu chi (bội chi năm 2016 gần 270 tỉ đồng, năm 2017 trên 300 tỉ đồng)...
Công tác KCB BHYT đã có nhiều chuyển biến tích cực sau khi Chỉ thị 27 ra đời.
- Trong ảnh: Khám bệnh BHYT tại BVĐK tỉnh.
Sâu sát, kịp thời
Trước tình hình đó, theo Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Mai, sự ra đời của Chỉ thị 27 đã nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan quản lý, cơ sở KCB trong công tác KCB BHYT. “Từ đó thực hiện công bằng trong việc thụ hưởng chính sách BHYT, phòng chống các hiện tượng lãng phí, buông lỏng quản lý; ngăn ngừa lạm dụng Quỹ BHYT, ảnh hưởng đến mục tiêu an sinh xã hội lâu dài của Đảng, Nhà nước”, ông Mai nói.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cũng cho rằng, Chỉ thị 27 được ban hành đúng thời điểm nên có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chỉ thị đã chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong KCB BHYT và các giải pháp khắc phục hữu hiệu. Rộng hơn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (BHXH Việt Nam) Lê Hùng Sơn đánh giá cao việc Tỉnh ủy Bình Định ban hành Chỉ thị 27; bởi, cùng “chung cảnh ngộ”, nhưng rất ít địa phương được quan tâm sâu sát, kịp thời như Bình Định.
Sau khi Chỉ thị 27 được ban hành, Đảng ủy và lãnh đạo BHXH, Sở Y tế đã tổ chức phổ biến, quán triệt rộng rãi. BHXH tỉnh chỉ đạo BHXH cấp huyện tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc quán triệt triển khai Chỉ thị này. Sở Y tế đã thành lập Tổ BHYT do Giám đốc trực tiếp làm tổ trưởng; đồng thời chỉ đạo trung tâm y tế các huyện thành lập Tổ BHYT nhằm phối hợp triển khai hiệu quả chính sách BHYT.
Đồng thời, Sở Y tế cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ sở KCB chấn chỉnh hoạt động KCB BHYT; kiểm soát chi phí, chống lạm dụng quỹ BHYT; chú trọng giáo dục, rèn luyện y đức, quy tắc giao tiếp cho nhân viên y tế; tiếp tục thực hiện các giải pháp cải tiến chất lượng bệnh viện, nâng cao chất lượng KCB; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB.
Hằng tháng, quý, Sở Y tế và BHXH tỉnh duy trì họp giao ban, trực báo; một số cơ sở KCB họp trực báo hằng tuần đều có sự tham dự của giám định viên BHXH nhằm trao đổi, cung cấp thông tin, tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, bất cập phát sinh.
Phối hợp đồng bộ, kiểm soát hiệu quả
Sau khi Chỉ thị 27 được quán triệt, triển khai, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan quản lý, cơ sở KCB, cán bộ, đảng viên và người dân về công tác KCB BHYT được nâng lên. “Công tác truyền thông được đẩy mạnh, người dân hiểu biết nhiều hơn về lợi ích của chính sách BHYT. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan quản lý vào cuộc đồng bộ, tăng cường trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý KCB BHYT”, ông Phạm Mai đánh giá.
Đặc biệt, ngành Y tế đã có nhiều giải pháp quyết liệt: hoàn thiện công tác đấu thầu thuốc theo quy định, chỉ đạo các cơ sở KCB tăng cường quản lý KCB BHYT, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thuốc không mua bán các loại thuốc do cá nhân bán, đổi sau khi KCB. Các cơ sở KCB chú trọng thực hiện đúng quy trình KCB BHYT, đưa dữ liệu lên Cổng thông tin giám định BHYT đầy đủ, kịp thời; công tác giám định tập trung phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh và Sở Y tế phối hợp đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các sai sót “có lý, có tình”. Từ đó, nâng cao ý thức của các cơ sở y tế trong công tác KCB BHYT đảm bảo “đúng người, đúng bệnh, đúng thuốc”; tình hình từ chối thanh toán chi phí do nguyên nhân chủ quan giảm rõ. Theo nhận định của lãnh đạo một phòng khám đa khoa tư nhân ở TP Quy Nhơn, chuyển biến đáng ghi nhận là cơ quan BHXH và các cơ sở KCB làm việc trên tinh thần phối hợp, tự giác, không nặng về tính chỉ đạo như trước.
Đáng chú ý, với việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kiểm soát chi phí KCB BHYT theo tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị 27, công tác KCB BHYT trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào ổn định, nền nếp, số lượt KCB và chi phí KCB BHYT cũng tiết giảm đáng kể so với trước. Trong quý IV/2017, bình quân mỗi tháng có 245 ngàn lượt người KCB BHYT, với chi phí 440 ngàn đồng/lượt. Sang 2 tháng đầu năm 2018, mỗi tháng còn 200 ngàn lượt người KCB BHYT, chi phí giảm còn 400 ngàn đồng/lượt.
Không thể hoàn thiện trong một sớm một chiều!
“Công tác KCB BHYT chuyển biến tích cực sau khi có Chỉ thị 27-CT/TU, song vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại. BHYT là chính sách lớn, nhưng các quy định chi tiết về KCB BHYT quá nhiều và nhỏ nhặt, thiếu tính khoa học, thống nhất, rõ ràng. Các văn bản quy định chưa đồng bộ, công tác quản lý phức tạp, chưa có công cụ để quản lý hiệu quả; công tác giám định còn nhiều khó khăn. Do đó, không thể hoàn thiện trong một sớm một chiều. Nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của ngành chuyên môn lẫn sự quan tâm sâu sát, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương”. Ông PHẠM MAI, Giám đốc BHXH tỉnh
NGUYỄN VĂN TRANG