CPTPP tác động khá toàn diện tới nền kinh tế Việt Nam
Ðại diện 11 quốc gia thành viên tham gia Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã cùng nhau ký kết, thông qua và ra tuyên bố chung về Hiệp định vào ngày 8.3, tại thủ đô Santiago, Chile.
CPTPP chính thức được ký kết.
CPTPP là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, bao gồm 11 quốc gia thành viên, gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. CPTPP có tên gọi cũ là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Donal Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định vào đầu năm 2017, bằng sự nỗ lực của các nước thành viên, TPP đã “hồi sinh” với tên gọi mới là CPTPP.
Về cơ bản, CPTPP vẫn giữ nguyên nội dung so với phiên bản TPP trước đây, chỉ tạm hoãn thực thi 22 điều khoản chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên trong bối cảnh mới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, tác động của Hiệp định này đối với nền kinh tế Việt Nam tương đối toàn diện. Những ngành hàng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định này bao gồm: dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia…, các ngành hàng khác không phải không có lợi ích, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị.
Không chỉ với CPTPP mà ngay cả với các FTA khác Việt Nam đã và sẽ ký kết, đều cho thấy những tác động nhiều chiều và có cả tác động tiêu cực, nguy cơ đe dọa đối với một số ngành kinh tế cũng như tác động đến lợi ích của người nông dân, người tiêu dùng.
“Tôi muốn nhấn mạnh, sự chủ động trong tiếp cận thị trường, bằng chính nhãn quan của DN mới là điểm mấu chốt, đảm bảo hội nhập thành công...”, Bộ trưởng nhắn nhủ tới cộng đồng DN.
Một lợi ích nữa có được từ CPTPP là giúp Việt Nam cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch - lợi ích mang tính bền vững, lâu dài. Theo ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Đây là cơ hội cho Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế rộng sâu hơn. CPTPP có ý nghĩa lớn trong thúc đẩy cải cách thể chế và liên kết hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Đây vừa là cơ hội cũng vừa là áp lực, thách thức đối với Việt Nam. Muốn tận dụng được lợi thế từ CPTPP, Việt Nam cần có kế hoạch nghiên cứu tất cả nội dung và thực thi Hiệp định nghiêm túc. Điều này không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan Chính phủ, bộ, ngành, địa phương mà còn là nhiệm vụ của các DN trong thời gian tới. Bởi, CPTPP sẽ tác động lớn đến khu vực DN, do đó muốn tận dụng cơ hội từ CPTPP, các DN cần có những nghiên cứu, tìm hiểu nghiêm túc, bài bản…
(Theo baocongthuong.com.vn)