Trường nghề cam kết việc làm cho sinh viên: Phải gắn kết với doanh nghiệp
Nhiều trường cao đẳng, trung cấp tại TP Hồ Chí Minh đã "dũng cảm" ký cam kết bảo đảm 100% sinh viên tốt nghiệp sẽ có việc làm, nếu không sẽ hoàn trả học phí. Từ đây, việc gắn kết đào tạo với doanh nghiệp là việc làm sống còn.
Hoàn trả học phí nếu không có việc
Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng quốc tế TP Hồ Chí Minh cho biết, khi sinh viên nhập học, nhà trường đã ký cam kết với sinh viên là bảo đảm 100% sau khi tốt nghiệp có việc làm. Đến nay, hầu hết các ngành học của trường như Quản trị nhà hàng khách sạn, Quản trị bếp ẩm thực, Quản trị du lịch lữ hành, Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật xây dựng, Điện công nghiệp và Công nghệ thông tin… đều thực hiện cam kết 100% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Tương tự, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cũng mạnh dạn ký thỏa thuận với sinh viên về việc bảo đảm 100% học xong ra trường có việc làm, nếu không sẽ hoàn trả học phí hoặc đào tạo lại miễn phí các kỹ năng mà doanh nghiệp cần khi tuyển dụng.
Với cách làm này, thực tế ở nhiều trường, điển hình như Trường Trung cấp Bách khoa TP Hồ Chí Minh, nhiều ngành học như Sư phạm mầm non, Kỹ thuật chế biến món ăn, Kế toán, Tin học ứng dụng, Dược sĩ..., tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngay đạt 100%. Đặc biệt, có nhiều ngành học không đủ người để các công ty tuyển dụng như Điều dưỡng, Y sĩ, Y học cổ truyền...
Nhiều trường khác lại có cách đi riêng nhưng cùng mục tiêu là bảo đảm việc làm cho sinh viên, nhằm thu hút người học. Điển hình như Trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Vinatex TP Hồ Chí Minh đã liên kết với Tổng công ty May Nhà Bè và Tổng Công ty 28 tổ chức các lớp vừa làm vừa học trực tiếp tại nhà máy. Học xong, học viên của trường được cấp bằng cao đẳng hệ chính quy, học phí do doanh nghiệp trả cho trường. Vì vậy sinh viên học không phải nộp học phí.
Chắc lý thuyết, vững thực hành
Theo các chuyên gia, việc các trường cao đẳng, trung cấp dám cam kết như trên là đột phá cần thiết trong bối cảnh hiện nay, để thu hút người đến học thì mới tồn tại phát triển. Tuy nhiên để thực hiện điều này không dễ. Tiến sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn chia sẻ: “Nhà trường phải có mối quan hệ tốt với doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm quá trình đào tạo, ngoài việc theo đúng chương trình khung còn phải tăng cường các kỹ năng, đáp ứng yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Chúng tôi xác định, việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là vấn đề sống còn của nhà trường”.
Không chỉ vậy, theo Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng quốc tế TP Hồ Chí Minh, để “giữ chân” doanh nghiệp lâu dài trong hợp tác đào tạo, nhà trường phải chú trọng đầu tư vào lực lượng nội tại. Khi giảng viên giỏi, chịu khó học hỏi, nghiên cứu sâu xu hướng tiến bộ của bộ môn đảm nhiệm thì sẽ tạo ra được những sinh viên chắc lý thuyết, vững thực hành.
Còn Trường Trung cấp Bách khoa TP Hồ Chí Minh thì gắn kết với doanh nghiệp bằng giải pháp mời họ tham gia vào việc xác định nhu cầu nguồn nhân lực để cùng xây dựng, thẩm định chương trình đào tạo, tham gia giảng dạy và hướng dẫn thực tập, xây dựng, thẩm định chuẩn đầu ra.
Đánh giá về giải pháp trên của các trường, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay chất lượng đào tạo, nhất là hệ đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, trung cấp của thành phố đã được các doanh nghiệp chấp nhận.
Tuy vậy, lực lượng lao động chất lượng cao, đặc biệt là lao động theo 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu, 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu và 8 nhóm ngành tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN của thành phố chưa được các trường tập trung đào tạo, chưa đủ cung cấp cho các doanh nghiệp FDI. Học viên các trường khi làm việc tại doanh nghiệp còn hạn chế lớn nhất là ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, làm việc độc lập, giao tiếp… Vì vậy các trường còn phải đầu tư nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động hiện nay và tương lai.
Theo Hà Nội mới