CHỌN NGÀNH, CHỌN NGHỀ:
Phù hợp năng lực cá nhân, khả năng gia đình, nhu cầu xã hội
Ðó là lời khuyên Ban tư vấn đưa ra trước băn khoăn chọn ngành, nghề gì của học sinh lớp 12 tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2018, do Báo Tuổi Trẻ, Bộ GD&ÐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LÐ-TB&XH) chủ trì, phối hợp với Sở GD&ÐT và Tỉnh đoàn vừa tổ chức tại Trường ÐH Quy Nhơn.
Những ngành, nghề có nhu cầu nhân lực cao
Tất cả thành viên Ban tư vấn đều khẳng định, ngành công nghệ thông tin (CNTT) trong cả nước đang thiếu lao động nghiêm trọng. Theo TS Huỳnh Công Tú, Phó Trưởng Phòng Đào tạo (Trường ĐH Quy Nhơn), CNTT hiện nay được chia làm 2 nhánh, hiểu nôm na là phần cứng và phần mềm. Nhánh phần cứng có thể kể đến các ngành như: Điện tử - viễn thông, Mạng máy tính, Kỹ thuật máy tính…; còn nhánh phần mềm có thể kể đến các ngành: CNTT, Kỹ thuật lập trình, An toàn thông tin…
Các học sinh chăm chú lắng nghe lời khuyên của Ban tư vấn tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2018.
Ngoài CNTT, quản trị logistics - một ngành mới xuất hiện, cũng đang có nhu cầu cao về nguồn nhân lực. Đây là ngành khoa học về dịch vụ nhằm tìm ra phương án tối ưu để chuyển hàng hóa từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, mới đây, Bộ Công Thương đã tổ chức một cuộc họp bàn về việc phát triển nhân lực ngành này.
Liên quan đến nhu cầu nhân lực hiện nay và những năm tới ở khu vực miền Trung nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh khuyên các học sinh nên chọn học các ngành dịch vụ, ví dụ nhà hàng, khách sạn, du lịch, dịch vụ cầu cảng hoặc các ngành về công nghệ chế biến để phục vụ du lịch cũng như nâng cao giá trị các sản phẩm biển, sản phẩm nông nghiệp.
Nhiều ưu thế khi học cao đẳng, trung cấp
Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ công tác học sinh, sinh viên thuộc Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ LÐ-TB&XH) lưu ý: Quy chế tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp do Bộ LÐ-TB&XH ban hành năm 2017 đã quy định rất chi tiết với nguyên tắc cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi nhất để học viên, sinh viên có thể cập nhật những kiến thức, kỹ năng cần thiết nhất theo cách ngắn gọn nhất, trong thời gian nhanh nhất.
Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ công tác học sinh, sinh viên (thuộc Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) thông tin, thời gian qua, nhiều tập đoàn, công ty lớn trong nước đã thay đổi cách tuyển dụng nhân sự theo xu thế chọn những người có thể đào tạo được hơn là những người đã được đào tạo trình độ đại học, bởi họ quan tâm nhiều hơn đến việc ứng viên có khả năng tiếp thu, học tiếp được nữa không. Ông Trường cho rằng, theo xu thế mới này thì việc chọn học cao đẳng, trung cấp sẽ có những ưu thế nhất định.
“Quy chế tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp do Bộ LĐ-TB&XH ban hành năm 2017 đã quy định rất chi tiết với nguyên tắc cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi nhất để học viên, sinh viên có thể cập nhật những kiến thức, kỹ năng cần thiết nhất theo cách ngắn gọn nhất, trong thời gian nhanh nhất. Ngoài ra, học viên, sinh viên còn được trang bị những kỹ năng cần thiết để sẵn sàng ứng phó với sự thay đổi của yêu cầu công việc, của sự phát triển khoa học công nghệ” - ông Trường cho hay.
Đừng chọn học một lúc 2 ngành
Ban tư vấn đã khuyên các học sinh không nên chọn học cùng lúc 2 ngành trong một trường đại học mà hãy tập trung học thật tốt một ngành, sau đó đăng ký học tiếp văn bằng 2.
“Gánh nặng về phân bổ thời gian học nhiều tín chỉ cùng lúc, rồi phải đóng thêm tiền, chưa kể đến sự lãng phí vô cùng lớn nếu sau đó không sử dụng đến. Cũng lưu ý các em có ý định học 2 ngành là ở trường đại học, đừng chăm chăm vào mỗi việc học, mà cần trang bị những kỹ năng mềm như: tiếng Anh, Tin học, khả năng viết, thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm...”, ThS Lương Đình Thành, chuyên viên Phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) khuyên.
Hiểu rằng, học sinh chọn học 2 ngành là muốn tăng cơ hội việc làm, ngại thất nghiệp, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh, tư vấn: Gần như không có ngành học nào lại đảm bảo không bị thất nghiệp; có rất nhiều lý do để bị thất nghiệp, ví dụ: không chấp nhận mức lương thấp, năng lực không đáp ứng yêu cầu công việc, không muốn công tác ở tỉnh xa… Vậy nên, nếu đến giờ vẫn chưa xác định được ngành nghề, thay vì lo, ngay lúc này, hãy nỗ lực học thật tốt, đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Tới lúc làm hồ sơ, cân nhắc chọn ngành, nghề nào cho phù hợp với năng lực. Cũng đừng quên tính đến khả năng tài chính, điều kiện của gia đình; nhu cầu của xã hội. Nên quan tâm đến các trường ở địa phương, khu vực lân cận nơi mình ở!”.
NGỌC TÚ