Ðã xử lý xong các dự án nợ quyết toán
Sau 4 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 27/CT-TTg, đến thời điểm này, tình trạng dự án hoàn thành tồn đọng quyết toán giai đoạn 2005 - 2014 mới được xử lý dứt điểm.
Báo cáo lên Bộ Tài chính và UBND tỉnh đầu năm 2018, Sở Tài chính cho hay đã xử lý xong 63 dự án (DA) tồn đọng quyết toán cuối cùng của giai đoạn này theo kế hoạch được Bộ “giãn” đến 31.12.2017. Trong đó, huyện Tây Sơn có 3 DA, Phù Cát 52 DA, Hoài Nhơn 2 DA, TP Quy Nhơn 6 DA.
Không đủ hồ sơ
Như vậy, sau một loạt động thái quyết liệt triển khai Chỉ thị 27/CT-TTg ngày 27.12.2013 của Chính phủ, cốt lõi là đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư các DA sử dụng vốn ngân sách nhà nước, từ chỗ đứng trong tốp dẫn đầu cả nước, đến nay Bình Định đã xử lý dứt điểm 1.622 DA, công trình tồn đọng quyết toán từ 2005 - 2014. 63 DA còn lại đến cuối năm 2017 mới giải xong, phần lớn vướng vì không đủ hồ sơ.
Đến cuối năm 2017, công trình đầu tư lát gạch block vỉa hè một số tuyến phố của Quy Nhơn mới quyết toán xong.
Năm 2017, khi Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) thực hiện giám sát việc thực hiện Chỉ thị 27, tình trạng nợ đọng hồ sơ DA quyết toán của TP Quy Nhơn ở mức thấp so với các địa phương. 6 DA chưa quyết toán được là 6 công trình đầu tư lát gạch block vỉa hè ở một số tuyến đường, dẫu mức đầu tư chỉ vài trăm triệu đồng mỗi DA. Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam cho hay, các công trình đã đưa vào sử dụng nhiều năm trước, nhưng “treo” quyết toán vì không đủ hồ sơ.
Phân tích cụ thể, nguyên nhân chung của tồn đọng quyết toán là cấp huyện, xã được phân cấp quyết định đầu tư và phê duyệt quyết toán, nhưng cán bộ quản lý tại 2 cấp này rất thiếu, chủ yếu làm kiêm nhiệm. Một số DA thiếu vốn, kéo dài thời gian thi công, DA phải điều chỉnh bổ sung dự toán nhưng không thực hiện đủ thủ tục xây dựng cơ bản; thay đổi bổ sung nhiều lần, chuyển đổi chủ đầu tư, cán bộ giám sát luân chuyển, thất lạc hồ sơ, chứng từ, không thể tổng hợp lập báo cáo quyết toán vốn…
“Để sử dụng nguồn vốn ngân sách mang lại hiệu quả cao, cuối năm 2017 Bộ Tài chính “mở” hướng thanh toán cho các DA không đủ hồ sơ. Đi kèm là các chỉ đạo quyết liệt của tỉnh xử lý dứt điểm, cùng với sự nỗ lực, tích cực phối hợp của các ngành, địa phương, chủ đầu tư trong việc kiên quyết giải quyết công trình hoàn thành chưa phê duyệt quyết toán”, Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thị Tuyết Mai cho hay.
Việc xử lý được phân thành các nhóm, bao gồm: DA không có hồ sơ hoàn công, nhật ký thi công; DA mà hồ sơ trình duyệt quyết toán chỉ có bản photo; DA không có hồ sơ nghiệm thu; các DA thất lạc hồ sơ còn lại…
Cần chặt chẽ hơn
Việc không chấp hành thời gian về báo cáo, trình phê duyệt quyết toán DA hoàn thành của một số chủ đầu tư (nhất là các DA hoàn thành giai đoạn 2005-2014) gây ảnh hưởng đến việc quản lý vốn đầu tư công, gây nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài. Không tất toán tài khoản của DA, nhà thầu thi công không được thanh toán đủ vốn, không theo dõi được giá trị tài sản sau đầu tư theo quy định.
Đến thời điểm này, “nợ” quyết toán DA đầu tư từ vốn ngân sách Trung ương và tỉnh đã được xử lý dứt điểm, nhưng đặt ra vấn đề cần chặt chẽ hơn trong công tác phối hợp, quản lý, để không tái diễn tình trạng này.
Tại hội nghị trực tuyến UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2018, khi đề cập đến các giải pháp thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển cũng như cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, hỗ trợ DN phát triển, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Thúc Đĩnh cũng nhấn mạnh giải pháp không bố trí vốn thanh toán số vốn còn thiếu cho các DA chậm nộp hồ sơ quyết toán từ 12 tháng trở lên. Đặc biệt, không cho phép nhà thầu vi phạm quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán được tham gia đấu thầu DA mới.
Bên cạnh đó, chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư các DA đầu tư công thuộc thẩm quyền. Thực hiện nghiêm các quy định về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Chỉ bố trí kế hoạch vốn cho DA đầu tư khi đảm bảo được nguồn vốn, thủ tục đầu tư theo đúng Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các quy định có liên quan; không để xảy ra trường hợp chủ đầu tư điều chỉnh vượt tổng mức đầu tư ban đầu, dẫn tới phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Ngoài đôn đốc, hướng dẫn, công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện các chế tài xử lý vi phạm đối với công tác quyết toán DA cũng phải kịp thời và nghiêm minh hơn nữa.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai nhấn mạnh, từ năm 2018 trở đi, Sở Tài chính sẽ thực hiện thống kê các chủ đầu tư, ban quản lý DA nộp hồ sơ quyết toán chậm so với quy định để đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm theo Thông tư 09/2016/TT-BTC ngày 18.1.2016 của Bộ Tài chính.
MAI HOÀNG