Những tình yêu di sản văn hóa Bana
Từ ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, các nghệ nhân ở huyện Vĩnh Thạnh kết hợp nắm giữ, biểu diễn và truyền dạy nhằm duy trì, phát triển đội ngũ kế cận.
Hiện nay, hầu hết các nghệ nhân huyện Vĩnh Thạnh đều trên 70 tuổi, dù vậy vẫn rất nhiệt tình giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc mình, hăng hái truyền dạy giá trị văn hóa Bana cho lớp trẻ.
Chung tay giữ gìn di sản
Đã ngoài tuổi 70 nhưng nghệ nhân Đinh Chương (tức Y Khiêm) vẫn ngày ngày truyền dạy cồng chiêng, dân ca, cách đan đát, làm một số nhạc cụ bằng tre nứa cho các cháu tại làng K8 (xã Vĩnh Sơn). Có thể nói, nhờ ông mà K8 là làng duy nhất của huyện Vĩnh Thạnh có tới 3 đội cồng chiêng với 3 lứa tuổi - thanh niên, thiếu niên và người cao tuổi - luôn luôn sẵn sàng trình diễn. Mới đây bok Khiêm còn đào tạo được đội cồng chiêng nữ cho xã Vĩnh Sơn.
Nghệ nhân Đinh Kim truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ làng M2.
Say đắm với cồng chiêng và đủ tỉnh táo để nhận ra rằng con em làng mình kém hứng thú với nhạc cụ truyền thống này, 4 năm trước, không quản ngại khó khăn, nghệ nhân Đinh Kim (xã Vĩnh Thịnh) lặn lội đến từng nhà rỉ rả kêu gọi lớp trẻ học đánh cồng chiêng.
Ban đầu là nể người già, thương cái tha thiết của bok Kim, về sau không ít người dần dần ham thích tiếng cồng tiếng chiêng. Nhờ đó, ở mỗi làng của xã Vĩnh Thịnh, đặc biệt là làng M2 luôn có đội cồng chiêng mạnh, thường xuyên đại diện các làng đi biểu diễn ở các sự kiện văn hóa, văn nghệ của huyện. “Bok Kim luôn bên cạnh động viên nhắc nhở, truyền dạy tận tình cho chúng tôi. Mẹ cha chúng tôi thích và ủng hộ chúng tôi chơi cồng chiêng! Thanh niên bây giờ cũng có thêm nhiều người bắt đầu hâm mộ rồi!”, anh Đinh Văn Minh, thành viên đội cồng chiêng làng M2 cho biết.
"Ðội cồng chiêng làng M2 do bok Ðinh Kim hướng dẫn, hoạt động rất tốt. Màn trình diễn của đội cồng chiêng và đội xoang làng M2 trong buổi diễn văn nghệ mừng Ðảng - mừng Xuân vừa rồi rất ấn tượng. Khi mà việc giữ gìn di sản văn hóa truyền thống còn nhiều khó khăn thì những nỗ lực như bok Ðinh Kim rất đáng trân trọng!”.
Ông PHẠM VĂN HÀ - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Vĩnh Thạnh
“Tôi muốn dạy cồng chiêng cho các cháu vì một phần để giữ gìn bản sắc văn hóa, phần vì học cồng chiêng giúp các cháu hiểu hơn về đời sống tinh thần, lắng nghe và trải lòng mình ra, có thể yêu núi rừng, sông suối, chim muông cây cỏ! Như vậy hay hơn rất nhiều so với việc các cháu bấm bấm điện thoại!”, nghệ nhân Đinh Kim chia sẻ.
Để nuôi dưỡng tình yêu với di sản văn hóa Bana, không chỉ truyền dạy, động viên ở làng mình, các nghệ nhân như Đinh Chương, Đinh Y Băng, Đinh Kim... còn động viên nhiều người cùng tham gia các chương trình văn hóa văn nghệ từ cấp làng đến cấp tỉnh; trò chuyện trao đổi với nhau với mục đích chung tay, chung lòng giữ gìn di sản của dân tộc mình.
Tạo thêm động lực
Trường THPT Dân tộc nội trú Vĩnh Thạnh là một trong những đơn vị điển hình trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Trường thường xuyên mời các nghệ nhân tiêu biểu đến giảng dạy cho học sinh theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Đây cũng là cơ hội để các nghệ nhân trực tiếp truyền dạy cho thanh thiếu niên, chọn lựa hạt nhân kế cận.
Nhà nghiên cứu Yang Danh cho biết: “Năm 2015 trường THPT Dân tộc nội trú Vĩnh Thạnh mời tôi về truyền dạy cồng chiêng. Năm 2016, 2017 tôi và nghệ nhân Hơ Gớt dạy cho học sinh tập múa và hát dân ca. Nhìn chung các cháu có tinh thần học hỏi rất tốt. Chúng tôi hy vọng các cháu sẽ biết cách giữ gìn bản sắc văn hóa Bana Vĩnh Thạnh”.
Để tạo không gian trình diễn nghệ thuật truyền thống, vào các dịp lễ hội như ngày hội truyền thống của làng, ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh 19.5, ngày Quốc khánh 2.9... huyện Vĩnh Thạnh lại tổ chức và động viên các xã, làng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Nhờ đó các nghệ nhân ở các làng có cơ hội tham gia biểu diễn cho con cháu có cơ hội học hỏi. Cùng với đó, những hoạt động này cũng nhen lên trong thanh thiếu niên tình yêu đối với bản sắc văn hóa dân tộc mình.
“Hằng năm, huyện đều tổ chức các chương trình biểu diễn cồng chiêng, múa, hát dân ca. Đồng thời thông qua các nghệ nhân, già làng, nhiều thể loại dân ca, nhạc cụ được lớp trẻ hứng thú học hỏi. Cùng với đó, các ngày hội của từng làng cũng là cơ hội để văn hóa truyền thống người Bana thường xuyên được duy trì”, ông Đinh Y Oai, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Vĩnh Thạnh cho biết.
Từ những gì mà các hạt nhân văn hóa như Yang Danh, Đinh Chương, Đinh Kim, Hơ Gớt, Đinh Y Băng…nỗ lực gieo vào tâm hồn, bàn tay, đôi chân của thanh thiếu niên Bana ở Vĩnh Thạnh, tôi muốn gọi họ là những tình yêu di sản văn hóa Bana!
THẢO KHUY