Quyết liệt hơn để phòng ngừa hậu quả
Tình hình cháy rừng trong những năm gần đây diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ cháy lớn, trong khi hiệu quả công tác chữa cháy chưa cao. Trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng xác định cần tăng cường hơn nữa công tác PCCC rừng bằng những biện pháp thiết thực, hiệu quả, trong đó công tác phòng cháy được đặt lên hàng đầu và cần tiến hành thường xuyên hơn, quyết liệt hơn nữa trong thời gian đến.
Theo thống kê của ngành kiểm lâm Bình Định, năm 2012 toàn tỉnh xảy ra 30 vụ cháy rừng, thiệt hại 132,59ha rừng các loại, so với năm 2011, giảm 4 vụ, thiệt hại giảm 12,23 ha rừng. Có 17/30 vụ đã xác định được nguyên nhân gây cháy (13 vụ đang điều tra làm rõ), trong đó, 10 vụ do người dân đốt thực bì không đúng quy định gây cháy, 7 vụ do sử dụng lửa trong rừng bất cẩn, đốt vàng mã tại những ngôi mộ gần núi, hút thuốc lá không dập tàn thuốc.
Điển hình, lúc 10 giờ 45 ngày 6.8.2012, tại lô 5a1, khoảnh 4, tiểu khu 258 thuộc xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn xảy ra vụ cháy 11,25 ha rừng bạch đàn của người dân địa phương. Kết quả điều tra cho thấy, gia đình ông L.V.M. ở xã Tây Thuận, trong lúc đốt thực bì, chuẩn bị dựng trại chăn nuôi bò đã sơ ý để lửa cháy lan ra xung quanh. Trước đó, lúc 16 giờ ngày 28.7.2012, tại tiểu khu 345, thuộc phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn xảy ra vụ cháy rừng, thiêu rụi gần 7ha rừng keo, thông, bạch đàn. Nguyên nhân vụ cháy này được xác định, do những người đi rừng đốt lửa đun nấu sau đó không dập tắt gây hậu quả trên.
Trong những năm qua, công tác PCCC rừng luôn được ngành kiểm lâm, lực lượng PCCC CA tỉnh, các địa phương có rừng và đặc biệt là các chủ rừng quan tâm. Các xã có rừng đều đã thành lập lực lượng chữa cháy rừng và trang bị dụng cụ chữa cháy cần thiết. Nhiều xí nghiệp trồng rừng đã xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, PCCC rừng thông qua việc kết nghĩa với đoàn thanh niên, hội nông dân xã, phường, qua đó tuyên truyền, hướng dẫn việc phòng ngừa cháy rừng, tích cực tham gia chữa cháy rừng, đồng thời xây dựng nhiều đoàn viên thanh niên, hội viên nông dân thành những hạt nhân nhằm duy trì hiệu quả công tác này.
Trong đó, năm 2012, Phòng Cảnh sát PCCC CA tỉnh tiếp tục phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh tập huấn PCCC rừng cho 40 cán bộ ngành kiểm lâm toàn tỉnh, sau đó ngành kiểm lâm đã phối hợp với các xã tập huấn cho dân quân tự vệ và lực lượng chữa cháy tại chỗ. Đồng thời, Phòng Cảnh sát PCCC cũng đã hướng dẫn ngành kiểm lâm, các chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy, yêu cầu trang bị phương tiện chữa cháy ban đầu. Đối với rừng trồng, yêu cầu chủ rừng phải làm đường băng ngăn lửa rộng từ 2m trở lên. Ngoài ra, năm 2012 lực lượng PCCC CA tỉnh đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tổ chức 2 đợt kiểm tra công tác PCCC rừng trên địa bàn tỉnh.
Tuy vậy, theo đại tá Phạm Đình Trung, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ - cứu nạn, CA tỉnh, công tác này còn những hạn chế cần khắc phục. Trong đó, một số địa phương chưa tuyên truyền thường xuyên công tác PCCC rừng, nội dung tuyên truyền chưa thu hút sự chú ý của người dân; chưa quan tâm đầu tư kinh phí mua sắm phương tiện, dụng cụ phục vụ chữa cháy đáp ứng yêu cầu. Nhiều khu rừng trồng chưa có đường băng cản lửa hoặc có đường băng nhưng không đúng quy định nên chưa chống được cháy lan. Việc tổ chức thực tập phương án chữa cháy rừng có nhiều lực lượng tham gia chưa được duy trì.
Đại tá Phạm Đình Trung cho biết, để chủ động PCCC rừng trong năm 2013, năm được dự báo tỉnh ta sẽ bị hạn nặng, ngoài việc phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tăng cường các biện pháp thường xuyên, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ - cứu nạn đã và đang phối hợp với CA các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị nghiệp vụ CA tỉnh tăng cường công tác điều tra cơ bản nhằm nắm chắc tình hình, đặc điểm các loại rừng, giao thông, nguồn nước trên địa bàn... để xây dựng phương án chữa cháy rừng phù hợp và triển khai thực hiện hiệu quả. Phòng cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức cho hộ gia đình ký cam kết bảo vệ rừng và PCCC rừng; tăng cường kiểm tra phát hiện, xử lý vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, PCCC rừng; hướng dẫn thực tập phương án chữa cháy có nhiều lực lượng tham gia.
MAI LINH GIANG