Nhà lưu niệm Xuân Diệu - một điểm hẹn văn hóa
Nhà lưu niệm Xuân Diệu được xây dựng trên nền nhà bà ngoại nhà thơ, ở thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước - trung tâm của vạn Gò Bồi xưa.
Nhà lưu niệm Xuân Diệu có quy mô khiêm tốn theo kiến trúc Pháp với mái ngói và cửa vòm. Phía sân bên phải còn đó cây khế cổ thụ có từ thời bà ngoại ông còn sống. Phía bên trái, cây sứ trắng được trồng bởi nhà thơ Huy Cận - người bạn thân thiết suốt đời của Xuân Diệu - vẫn đang tỏa hương thơm dịu.
Cách trình bày, bài trí hiện vật, tư liệu liên quan đến Xuân Diệu trong nhà lưu niệm khá chuyên nghiệp. Tại phòng giữa, ảnh nhà thơ đặt trang trọng trên bàn thờ, nơi thắp hương tưởng niệm. Bên trái, cùng với bảng ghi tiểu sử có tượng nhà thơ với cái nhìn hơi nghiêng và mái tóc “vươn trên đài trán ngây thơ”. Phía bên phải, Chứng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật của Xuân Diệu được đóng khung trang trọng bên cạnh bức ảnh toàn cảnh vạn Gò Bồi - quê mẹ, nơi nhà thơ sinh thành.
Có lẽ, để tạo ấn tượng mạnh, người bài trí đã giới thiệu toàn văn bài thơ “Chấp nhận” nổi tiếng của thi sĩ phía bên trái bàn thờ - phía trái tim. Bài thơ cho ta cảm nhận về những phẩm chất độc đáo của Xuân Diệu: bướng bỉnh trước quy luật sinh tử “Đã không tránh khỏi thì tôi nhận. Một cách đau thương nhưng ngẩng đầu”; sống hết mình cho công việc “… tôi đã sống hết mình. Suốt đời không một chút coi khinh. Tôi coi trọng nhất khi làm việc. Họa có thua khi sống với tình”…
Sang phòng trưng bày thứ hai, người xem được cung cấp tư liệu, hình ảnh để có thể hình dung cụ thể, toàn diện hơn về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ. Ngắm chân dung thân phụ - ông đồ Ngô Xuân Thọ, người Hà Tĩnh và thân mẫu- cô hàng nước mắm vạn Gò Bồi Nguyễn Thị Hiệp, tôi lại nhớ đến những câu thơ: “Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong. Hai phía đèo Ngang một mối thâm tình…”. Phải chăng sự tác hợp hôn nhân, sự giao hòa văn hóa hai miền đã tạo nên sự sâu sắc theo kiểu ông đồ Nghệ và sức sống tràn trề của người dân vạn chài trong thơ Xuân Diệu?
Cũng trong căn phòng này, nhiều di vật quý được trưng bày, như ảnh Xuân Diệu - Huy Cận chụp chung năm 1940 ở Sài Gòn; ảnh gia đình có Xuân Diệu cùng mẹ và em trai (chụp năm 1943); ảnh Xuân Diệu tại cuộc họp Quốc hội khóa 1 năm 1946 và tại diễn đàn Hội văn nghệ Cu-ba (năm 1982); Bằng Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm và Nghệ thuật Cộng hòa Dân chủ Đức… Những di vật cho người suy nghiệm và hiểu được sự nghiệp văn học và văn hóa thi sĩ để lại cho đời, khẳng định diện mạo của một nhà thơ lớn. Tôi chú ý đến một di vật khác, cuốn sổ tay Xuân Diệu đã chép những bài thơ sáng tác trong những năm 1974-1976 để tặng ông Trà Văn Tri, một người bạn 50 năm gắn bó, một người bình thường.
Ở phòng trưng bày thứ ba, phía bên phải trưng bày nhiều ảnh, sách, bài báo… xoay quanh chủ đề tưởng nhớ nhà thơ Xuân Diệu. Đó là ảnh các vị lãnh đạo đến viếng tại lễ tang nhà thơ, các nhà văn hóa, trường học mang tên ông… Ở đây cũng trưng bày nhiều bút tích, bài báo, sách, thơ… của các nhà lãnh đạo, đồng nghiệp, bạn bè, người yêu thơ viết về ông, về những kỷ niệm từng gắn bó với ông trong cuộc sống và công việc, về nhân cách cao quý của nhà thơ…
Trong hồi ký, Xuân Diệu viết: “Tôi cho rằng mỗi con người có nghĩa vụ phải đào sâu vào kỷ niệm của mình, vào quá khứ tình cảm của mình để làm giàu thêm cái vốn nhân đạo trong mỗi con cháu chúng ta”. Hằng năm, có nhiều người từ mọi miền đất nước đến với Nhà lưu niệm này và chính quyền địa phương đều trân trọng tổ chức giỗ ông vào ngày 18.12. Ý nguyện của nhà thơ đã được thực hiện, khi Nhà lưu niệm, với những giá trị mà nó đang mang chứa bên trong, đang thực hiện vai trò làm giàu thêm cái “vốn nhân đạo” trong đời sống cộng đồng, đất nước hôm nay.
NGÔ HỒNG SƠN