THAM GIA BẢO TỒN, PHÁT HUY DÂN CA, DI SẢN BÀI CHÒI:
Phụ nữ tích cực góp phần giữ gìn
Có lợi thế phù hợp với loại hình, cùng với bản tính chịu khó, phụ nữ thường xuyên là nhân tố đi đầu, tích cực trong việc giữ gìn, phát huy dân ca, bài chòi. Ðiều này được minh chứng thuyết phục, sinh động khi nhìn vào hoạt động của phong trào bài chòi trong tỉnh hiện nay.
Đội bài chòi phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn) với cả 4 hiệu đều là nữ, trình diễn tại Liên hoan diễn xướng bài chòi dân gian TP Quy Nhơn lần thứ VI - Tết Nguyên đán 2018.
Hiệu đa số là nữ
Tuy chưa có khảo sát, thống kê cụ thể, song qua thực tiễn phong trào ở hầu khắp địa phương trong tỉnh, có thể thấy, ở lực lượng nghệ nhân bài chòi (tức diễn viên - hiệu, không tính nhạc công), nữ luôn chiếm đa số.
Phổ biến ở tỉnh ta, một CLB dân ca, bài chòi thường có chừng 20 thành viên, trong đó là nữ chiếm khoảng 2/3. Tương tự, một nhóm hiệu tiêu biểu chừng 5, 6 người đại diện cho địa phương để tổ chức hội đánh bài chòi, thường có đến 3, 4 nữ. Có không ít địa phương, 100% nghệ nhân là nữ. Ví dụ, tại Liên hoan các CLB bài chòi tiêu biểu tỉnh Bình Định - 2018, 3/4 số hiệu của đội huyện Hoài Nhơn là nữ; hay 4 phường của TP Quy Nhơn gồm: Bùi Thị Xuân, Ngô Mây, Nguyễn Văn Cừ, Nhơn Phú, tất cả hiệu các đội này đều là nữ…
Nhìn rộng ra, cả 3 nghệ nhân bài chòi tài năng, thâm niên trong tỉnh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú đều là nữ, đó là Lê Thị Đào (An Nhơn), Nguyễn Thị Đức (Phù Cát) và Nguyễn Thị Minh Liễu (Tuy Phước).
Giải thích “hiện tượng” nghệ nhân bài chòi là nữ chiếm số lượng đông đảo và thường có chuyên môn tốt, những người am hiểu về loại hình này cho rằng, trước hết vì bài chòi hay dân ca nói chung có đặc điểm mượt mà, trữ tình vốn phù hợp với giới nữ…
Phụ nữ góp phần bảo tồn di sản
Trước khi dân ca, bài chòi được quan tâm bảo tồn, nhiều năm qua, loại hình này may mắn có không gian diễn xướng là liên hoan hát ru, hát dân ca do hội phụ nữ các cấp tổ chức. Năm nay, Liên hoan hát ru, hát dân ca lần IV - 2018 do Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở VH&TT tổ chức, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 4. Ở cấp huyện (thị xã, thành phố), tại Vĩnh Thạnh, hoạt động tương tự vừa diễn ra dịp 8.3, do Hội LHPN huyện này tổ chức. Đây là hoạt động văn hóa giàu ý nghĩa mà các cấp hội phụ nữ xác định duy trì tổ chức lâu dài, tại hầu khắp các địa phương. Có thể nói, liên hoan đã phần nào làm tiền đề cho việc phụ nữ tham gia bảo tồn, phát huy di sản bài chòi hiện nay.
Trong quá trình tìm hiểu về sự tham gia của phụ nữ với công tác gìn giữ dân ca, bài chòi, điều đọng lại trong chúng tôi là nhiệt huyết văn nghệ, tinh thần xung kích và niềm hạnh phúc được phục vụ khán giả của hầu hết nữ nghệ nhân bài chòi. Họ khiêm nhường khi nói về sự đóng góp của mình, coi đó là trách nhiệm chung, thậm chí một cơ hội để hiểu biết thêm về một loại hình văn hóa cổ truyền.
Ngành văn hóa rất trân trọng sự đóng góp của các nghệ nhân, hạt nhân nữ cũng như hội phụ nữ các cấp trong vấn đề giữ gìn, phát huy dân ca, bài chòi. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ, nỗ lực để luôn đồng hành, tổ chức nhiều, đa dạng hơn các hoạt động văn hóa phát huy ý nghĩa, giá trị của dân ca, bài chòi, đáp ứng ngày càng tốt hơn đời sống tinh thần cho nhân dân”.
Ông TRƯƠNG ĐÔNG HẢI, Phó Giám đốc Sở VH&TT
SAO LY