Tàu cá vỏ thép hoạt động hiệu quả
Việc triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NÐ-CP của Chính phủ, đã góp phần hiện đại hóa đội tàu cá, thúc đẩy phát triển ngành thủy sản tỉnh ta. Nhiều tàu cá vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67 hoạt động có hiệu quả, đánh bắt đạt năng suất, sản lượng cao, tăng thu nhập.
Thuyền viên tàu vỏ thép BĐ 99169 TS của ngư dân Nguyễn Ngọc Châu chuẩn bị cho chuyến biển mới. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Vững tin bám biển
Năm 2016, tàu cá vỏ thép BĐ 99478 TS, công suất 829 CV, trị giá 16,3 tỉ đồng, của ông Nông Thành Điền (ở xã Cát Thành - huyện Phù Cát) vay vốn đóng mới theo Nghị định (NĐ) 67/CP, được đưa vào sử dụng, đánh bắt đạt hiệu quả cao. Ông Điền cho biết: “Tàu của tôi làm nghề mành chụp, kết hợp câu cá ngừ đại dương. Bình quân mỗi chuyến biển thu nhập hơn 500 triệu đồng, có chuyến đạt trên 1 tỉ đồng. Nhờ đó, đến nay tôi đã trả nợ vay được 1,2 tỉ đồng”.
Tàu vỏ thép làm nghề mành chụp và câu cá ngừ đại dương số hiệu BĐ 99979 TS, công suất 829 CV, trị giá 16,3 tỉ đồng của anh Đặng Văn Khoa (cũng ở xã Cát Thành) đóng mới theo NĐ 67/CP được đưa vào hoạt động từ tháng 4.2017, bình quân thu nhập 300 triệu đồng/chuyến biển. “Quyết định chuyển từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép đem lại hiệu quả kinh tế tăng thấy rõ. Tàu vỏ thép máy móc hiện đại, chịu được sóng to, gió lớn nên chúng tôi yên tâm hoạt động ở các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa” - anh Khoa nhận xét.
Tháng 3.2017, ông Nguyễn Ngọc Châu (ở xã Cát Khánh - huyện Phù Cát) hạ thủy tàu vỏ thép BĐ 99169 TS đóng mới theo NĐ 67/CP, công suất 880 CV, trị giá 20 tỉ đồng, làm nghề mành chụp. Qua 10 chuyến biển, bình quân thu nhập 500 triệu đồng/chuyến; cá biệt có chuyến thu nhập 1,2 tỉ đồng. “Đánh bắt bằng tàu vỏ sắt cho thu nhập cao hơn nhiều so với tàu vỏ gỗ. Mỗi phần “bạn” thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng/người/chuyến biển” - ông Châu cho hay.
Sau hơn 1 năm nằm bờ vì hư hỏng, đến nay tàu vỏ thép BĐ 99016 TS, công suất 940 CV, của ngư dân Lê Văn Thãi (ở xã Cát Khánh) cũng đã được công ty đóng tàu thay máy mới, sửa chữa xong và chuẩn bị ra khơi vào tháng tới. Anh Thãi bộc bạch: “Tàu của tôi trước đây đăng ký làm nghề lưới vây ánh sáng. Tôi đã làm đơn xin chuyển đổi qua nghề mành chụp và đã được tỉnh chấp thuận. Hy vọng với nghề mới sẽ có thu nhập cao để gia đình tôi có điều kiện trả nợ vay ngân hàng”.
Tiếp tục hỗ trợ ngư dân
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, thực hiện NĐ 67/CP, đến nay đã có 47 tàu cá vỏ thép, 8 tàu vỏ composite, 5 tàu vỏ gỗ đóng xong và đưa vào sử dụng. Năm 2017, ngoài 17 tàu vỏ thép bị hư hỏng phải nằm bờ sửa chữa, các tàu cá vỏ thép khác đều đánh bắt hiệu quả, một số chuyến biển thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng.
Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: Các tàu vỏ thép đóng mới theo NĐ 67/CP đạt hiệu quả cao hơn từ 15 - 20 % so với các tàu vỏ gỗ cùng công suất. Nhờ triển khai thực hiện NĐ 67/CP, ngư dân có điều kiện hiện đại hóa đội tàu đánh bắt công suất lớn đảm bảo hoạt động an toàn, đem lại hiệu quả cao, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Hiện tại Chính phủ đã ban hành NĐ 17/CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 67/CP về một số chính sách phát triển thủy sản, NĐ 17/CP có hiệu lực thi hành từ ngày 25.3.2018. “Thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ ngư dân theo NĐ 17/CP, Chi cục Thủy sản sẽ tham mưu Sở NN&PTNT tập trung triển khai chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với tàu cá đóng mới; chính sách bảo hiểm, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng; hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới; theo dõi tình hình sản xuất của các tàu cá đóng mới theo NĐ 67/CP để hỗ trợ các chủ tàu sản xuất có hiệu quả, đảm bảo việc trả nợ cho ngân hàng” - ông Bình cho biết thêm.
NGỌC NHUẬN