Hướng tới xuất khẩu lao động bền vững
Ngay trong thời điểm khá lạc quan khi xuất khẩu lao động trong tỉnh cán mốc hơn 500 lao động xuất cảnh để làm việc có thời hạn tại nước ngoài, nhiều người vẫn cho rằng cần tập trung hơn nữa để khai thác hết tiềm năng, đảm bảo tính bền vững, sau một thời gian ngắn khá tích cực.
Thị trường nào là lựa chọn tối ưu cho lao động Bình Định thời điểm này? Và làm thế nào để “nâng chất” lao động đi làm việc tại nước ngoài?
Bình Định tiếp tục khuyến khích người lao động tham gia thị trường Nhật Bản.
- Trong ảnh: Đại diện Tập đoàn Nohara làm việc với ngành LĐ-TB&XH Bình Định về hoạt động tư vấn, sơ tuyển lao động đi làm việc theo đơn hàng thi công nội thất.
Nhật Bản - thị trường sáng giá
Sau Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, hiện tại, Bình Định xác định Nhật Bản là thị trường ưu tiên, khuyến khích lao động trong tỉnh tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ). Không chỉ có sức hấp dẫn về văn hóa, nền sản xuất tiên tiến, môi trường làm việc chuyên nghiệp, Nhật Bản còn dành cho lao động ngoài nước sự tôn trọng cao.
“Đây là điều thật sự đáng quý, giúp mối quan hệ giữa chủ lao động và lao động bền vững. Ở một số nước khác, chủ sử dụng lao động chỉ xem người lao động là công cụ kiếm tiền cho họ, dành cho họ sự đối xử phân biệt, môi trường làm việc hà khắc, thậm chí có cả yếu tố bạo lực”, bà Dương Thị Thu Cúc, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Dịch vụ Quốc tế Sài Gòn - đơn vị được cấp phép đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài, chia sẻ.
Có con tham gia XKLĐ tại Nhật Bản, bà Chế Thị Lan (43 tuổi, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân) bày tỏ: “Con gái tôi kể, ông chủ nông trại nơi cháu làm việc đối xử với người lao động thân tình như người nhà. Ngoài thời gian làm việc, nó được hướng dẫn đến các khu rèn luyện thể dục thể thao. Chỗ ở là một khu tập thể với đầy đủ tiện nghi cho sinh hoạt hàng ngày, không khí trong lành. Người Nhật rất nghiêm khắc trong giờ giấc, sự chính xác, thái độ làm việc. Nhưng không dữ dằn, thô lỗ hay lớn tiếng, quát tháo”.
“Từ cuối năm 2017 đến nay, công thức phỏng vấn “3 chọn 1” của DN Nhật đã thay bằng “2 chọn 1”. Cơ hội của lao động Bình Định là rất lớn. Tuy nhiên, nước ta đang bước vào giai đoạn “già hóa” dân số. Độ tuổi trung bình của Việt Nam hiện nay là khoảng 30 tuổi, trong khi DN Nhật chỉ tiếp nhận lao động đến khoảng 33 tuổi. Tức là, không còn nhiều thời gian nữa”, ông Hồ Lữ Lâm Trần, Giám đốc Công ty TNHH Ánh Thái Dương gửi gắm trăn trở tại Hội nghị triển khai XKLĐ năm 2018 của tỉnh.
Thay đổi tư duy, mở rộng đơn hàng
Phần đông người lao động Bình Định còn “ngại” trước những đơn hàng đòi hỏi tay nghề, chỉ chăm chăm vào các đơn hàng dành cho lao động phổ thông. Đây là nhận định của ông Nguyễn Thế Đại, Giám đốc Công ty CP XKLĐ và Dịch vụ thương mại Biển Đông sau 4 năm tiếp cận người lao động Bình Định.
Thực tế là phần lớn lao động đăng ký tham gia XKLĐ hiện là lao động phổ thông, có hoàn cảnh khó khăn hoặc lao động đã tốt nghiệp CĐ, ĐH nhưng thất nghiệp. Anh Nguyễn Văn Thọ (25 tuổi, ở xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) cho biết: Tôi đi làm công nhân một thời gian nhưng thu nhập không đủ để cải thiện đời sống, tích lũy. Nghe giới thiệu, sang Nhật làm việc 3 năm, có thể để dành được hơn 500 triệu đồng, tôi quyết chí tham gia. Sở dĩ tôi không đặt mục tiêu là các đơn hàng đòi hỏi tay nghề bởi người Nhật yêu cầu cao về tiếng Nhật. Việc học tiếng Nhật đã khá nặng, nếu phải học thêm nghề, tôi e mình không đáp ứng hết tất cả các yêu cầu trước thời hạn xuất cảnh. Như vậy có thể bỏ lỡ cơ hội.
Trong khi đó, anh Nguyễn Tấn Đạt (22 tuổi, ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn), tốt nghiệp cao đẳng nghề cơ khí, lại có suy nghĩ khác: “Tôi đã có nghề nhưng khi đăng ký tham gia XKLĐ lại không tìm được đơn hàng cùng nghề. Vì thế, tôi đăng ký vào một đơn hàng nông nghiệp để nhanh chóng có cơ hội đi làm việc tại nước ngoài, chấp nhận học tập những kỹ năng mới”.
Các DN được cấp phép đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài đều cho rằng, hiện nay, số lượng đơn hàng XKLĐ, nhất là thị trường Nhật Bản khá lớn. Người lao động cần chủ động hoặc kiên nhẫn lựa chọn đơn hàng phù hợp với tay nghề, định hướng tương lai của mình. Ông Trần Hữu Hiệu, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề - Giới thiệu việc làm thanh niên Bình Định, nhấn mạnh: “Người lao động cần thay đổi tư duy về XKLĐ. Không dừng lại ở ý nghĩ cố gắng làm thuê nơi xứ người, để dành được mấy trăm triệu đồng để về nước giúp đỡ gia đình, có vốn làm ăn, XKLĐ còn là cơ hội để người lao động học lấy một kỹ thuật sản xuất tiên tiến, học một tư duy, kỷ luật làm việc... Đây đều là nền tảng để người lao động có thể khởi nghiệp khi về nước”.
Riêng về việc đào tạo nghề cho lao động đi XKLĐ, hiện, đều do các đơn vị được cấp phép XKLĐ triển khai. Như đơn hàng kỹ thuật thi công nội thất của Tập đoàn Nohara (Nhật Bản) vừa qua, 36 lao động Bình Định trúng tuyển sẽ được học nghề và học tiếng Nhật tại Trường đào tạo tu nghiệp sinh Đồng An (TX Dĩ An, tỉnh Bình Dương - do Tập đoàn Nohara và Haindeco phối hợp mở). Chứng chỉ nghề sau tốt nghiệp tại đây được công nhận tại Nhật Bản.
Trao đổi về việc mở rộng các đơn hàng chất lượng, giúp người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn, ông Lê Văn Nghinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, khẳng định, năm 2018 sẽ tích cực tìm kiếm các đơn hàng chất lượng, thu nhập cao. Đơn hàng thi công nội thất với 36 lao động trúng tuyển tại Tập đoàn Nohara là tín hiệu tích cực đầu tiên thể hiện nỗ lực mở rộng đơn hàng của Trung tâm. Mặt khác, Trung tâm cũng sẽ tư vấn kỹ càng cho người lao động hiểu về đơn hàng để có những lựa chọn phù hợp.
Nhật Bản - cơ hội của lao động Bình Định
Có mặt tại một số phiên giao dịch, phỏng vấn của chủ sử dụng lao động Nhật Bản tổ chức tại Bình Ðịnh, tôi khá ấn tượng với cách tuyển chọn và mời gọi người lao động của các đại diện DN Nhật.
Trong đợt tuyển dụng tháng 3.2017, hai ông chủ của đơn hàng trong lĩnh vực nông nghiệp sau khi chọn được người lao động đã sắp xếp một buổi gặp gỡ với gia đình người lao động trúng tuyển. Ông Yano Kiyokazu, một trong hai chủ sử dụng lao động người Nhật, cho biết: “Chúng tôi biết, khi con em đi làm việc ở một đất nước khác, người nhà, nhất là cha mẹ sẽ rất lo. Vì vậy, gặp gỡ, trò chuyện là một cách giúp họ hiểu và an tâm hơn về đất nước, con người và công việc mà người thân của họ sắp gắn bó trong 3 năm. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để chúng tôi gửi lời cảm ơn đến gia đình vì đã góp cho chúng tôi lao động, đồng thời cam kết đảm bảo an toàn và thu nhập cho người lao động theo đúng hợp đồng”.
Với những ưu điểm trên, Nhật Bản thật sự là thị trường “sáng giá” cho lao động Bình Ðịnh. Ðặc biệt, thời điểm hiện nay, khi nhu cầu tiếp nhận của DN Nhật ngày một tăng.
NGUYỄN MUỘI