Hoạt động Khuyến nông năm 2018: Gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục là đơn vị “tiên phong” thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua các hoạt động chuyển giao kỹ thuật cho nông dân.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình sản xuất thâm canh đậu phụng tại xã Cát Hiệp (Phù Cát) để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân.
Triển khai 16 mô hình
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Năm 2018, tỉnh ta tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Để thực hiện tốt đề án này, Sở NN&PTNT ưu tiên kinh phí cho hoạt động khuyến nông (KN) và chỉ đạo Trung tâm KN bám sát thực tế tình hình biến đổi khí hậu; chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng vùng sản xuất tập trung, sản xuất theo chuỗi… để thực hiện hoạt động KN, chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân nhằm góp phần hạn chế rủi ro, tăng giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc Trung tâm KN tỉnh, cho hay: Trên cơ sở định hướng, mục tiêu và giải pháp của Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, Trung tâm đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, xây dựng 16 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… để chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân các địa phương trong tỉnh. Trong đó, ở lĩnh vực trồng trọt, Trung tâm xây dựng 6 loại mô hình sản xuất thâm canh đậu xanh, đậu phụng, khoai lang trên chân đất sản xuất 3 vụ lúa/năm kém hiệu quả, đồng thời nhân rộng các mô hình trồng rau hữu cơ an toàn, đậu phụng giống mới và mì cao sản.
Xác định tỉnh ta phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với an toàn dịch bệnh, năm 2018, Trung tâm xây dựng 4 mô hình: Trang trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh và chăn nuôi heo thịt khép kín đảm bảo an toàn thực phẩm; chăn nuôi bò thịt chất lượng cao; nuôi vịt biển thương phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu; trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc thích ứng điều kiện ngập úng, chịu phèn.
Với lĩnh vực thủy sản, Trung tâm sẽ triển khai các mô hình: Nuôi cá dìa thương phẩm bằng lồng trên biển; nuôi cua xanh thương phẩm; nuôi ghép cua với cá dìa. Lĩnh vực lâm nghiệp, Trung tâm sẽ xây dựng mô hình trồng thâm canh cây đinh lăng để chuyển giao cho nông dân. Ngoài ra, Trung tâm hỗ trợ các địa phương chế phẩm sinh học Biorat và tư vấn, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ chuột; áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch đậu phụng, nhằm giảm công lao động, tăng hiệu quả sản xuất.
Đẩy mạnh công tác KN
Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Thị Tố Trân, bên cạnh xây dựng các mô hình điểm để chuyển giao tiến bộ KHKT, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân học tập kinh nghiệm, nhân ra diện rộng, Trung tâm sẽ tập trung tuyên truyền có hiệu quả các giải pháp sản xuất nông nghiệp, lịch thời vụ gieo sạ, cơ cấu giống theo chỉ đạo của Sở NN&PTNT và UBND tỉnh. Tăng cường công tác phòng trừ dịch bệnh bảo vệ cây trồng, vật nuôi. Tổ chức nhiều buổi tọa đàm, tập huấn, hội thảo chuyên đề hướng dẫn nông dân các giải pháp sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả. Vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm sinh thái của từng vùng.
Trung tâm KN tiếp tục tham mưu ngành Nông nghiệp tỉnh xây dựng các vùng sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung có sự tham gia của “4 nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà nước, nhà doanh nghiệp), gắn với tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, tư vấn hỗ trợ các địa phương rà soát, khoanh vùng, quy hoạch bố trí cây trồng cạn phù hợp trên từng chân đất; tăng cường công tác dự báo thị trường, tạo điều kiện cho việc tiêu thụ nông sản được thuận lợi, giúp nông dân tăng thu nhập.
PHẠM TIẾN SỸ