Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2018: Loạn xét tuyển tổ hợp môn
Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT về xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia và xét tuyển bằng điểm học bạ THPT, các trường được sử dụng tối đa 4 tổ hợp cho mỗi ngành. Quy định này tạo sự mềm dẻo hơn để các trường tuyển sinh cũng như tạo điều kiện tối đa cho thí sinh.
Tuy nhiên, ghi nhận phương án tuyển sinh năm 2018 do các trường công bố cho thấy rất nhiều trường xét tuyển với các tổ hợp lạ, có nơi sử dụng cả những tổ hợp Văn - Sử - Địa để tuyển sinh viên cho ngành công nghệ, điều dưỡng.
Thí sinh dự thi THPT Quốc gia năm 2017
Tuyển sinh kiểu bất chấp
Từ năm 2015, Bộ GD-ĐT đã quyết định chuyển từ hình thức thi 3 chung - chung đợt, chung đề, chung kết quả sang hình thức 2 chung - dùng kết quả xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ). Quyết định nhận được sự đồng tình từ các trường và cả thí sinh vì tạo thêm cơ hội cho thí sinh có thể bước vào giảng đường ĐH. Đặc biệt, việc Bộ GD-ĐT cho thi 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Lý - Hóa - Sinh) và Khoa học xã hội (Địa - Sử - Giáo dục công dân) thì cơ hội vào ĐH càng tăng hơn khi tổ hợp xét tuyển được mở rộng. Mùa tuyển sinh năm 2018 càng thể hiện rõ chủ trương này khi nhiều trường đặt điều kiện cứng để vào ĐH là tốt nghiệp THPT; việc còn lại là thí sinh chọn trường, chọn ngành theo sở thích và năng lực.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, nếu năm 2017 nhiều trường còn e dè khi tăng tổ hợp xét tuyển thì năm 2018 hàng loạt trường (chủ yếu là các trường địa phương và trường ngoài công lập) áp dụng xét tuyển thêm các tổ hợp Văn - Sử - Địa, Văn - Sử - Giáo dục công dân và Địa - Sử - Giáo dục công dân cho tất cả các ngành (trừ khối ngành sức khỏe).
Cụ thể, thông tin tuyển sinh Trường ĐH Hùng Vương TPHCM, Trường ĐH Thái Bình Dương, Trường ĐH Nam Cần Thơ… cho thấy, các ngành kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng tuyển cả tổ hợp Văn - Sử - Địa và Văn - Sử - Giáo dục công dân. Trường ĐH Đông Đô còn “sốc” hơn khi dùng tổ hợp Văn - Sử - Địa để tuyển sinh các ngành như ngôn ngữ Anh, điều dưỡng, ngôn ngữ Trung. Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai xét tuyển hàng loạt ngành công nghệ như kỹ thuật ô tô, điện - điện tử, chế tạo máy, kỹ thuật xây dựng, công nghệ thông tin... bằng tổ hợp Văn - Sử - Địa và Văn - Sử - Giáo dục công dân. Trường ĐH Công nghệ TPHCM cũng sử dụng tổ hợp Văn - Sử - Địa và Văn - Sử - Giáo dục công dân cho các ngành kinh tế như kinh doanh quốc tế, marketing và các ngành quản trị, truyền thông đa phương tiện, kể cả ngành tiếng Anh... Đơn cử, có trường còn dùng cả tổ hợp Toán - Văn - Anh tuyển sinh cho các ngành thuộc khối năng khiếu như kiến trúc.
Cần dựa vào năng lực, sở thích
TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TPHCM, cho rằng: Việc tăng tổ hợp xét tuyển ở các trường ĐH mặc dù về lý thuyết sẽ tăng cơ hội vào ĐH cho thí sinh, song với tối đa 4 tổ hợp cho mỗi ngành như hiện nay đã là quá đủ cho thí sinh lẫn các trường. Nếu mở rộng tổ hợp xét tuyển một cách mới lạ so với ngành học sẽ làm cho tân sinh viên vất vả trong quá trình học. Cần lưu ý, mỗi ngành học đòi hỏi những kiến thức chuyên sâu khác nhau, học sinh học trái với năng lực thực sự của mình cũng sẽ gây khó cho công tác giảng dạy. “Bình quân, hàng năm trường có khoảng 3% sinh viên bỏ học vì nhiều lý do, trong đó nguyên nhân chọn sai ngành, chọn ngành không đúng năng lực chiếm không nhỏ”, TS Trần Đình Lý cho biết.
Theo Th.S Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, hiện chưa có quy định hay nghiên cứu chỉ ra tổ hợp xét tuyển nào là phù hợp với từng ngành. Tuy nhiên, việc các ngành học cũng đòi hỏi các kiến thức nền tảng tương đối phù hợp. Sinh viên các ngành thuộc nhóm kỹ thuật công nghệ nếu yếu các môn tự nhiên thì sẽ khó theo học tốt được và có nhiều nguy cơ không theo học nổi; còn các ngành có yếu tố năng khiếu mà không có môn năng khiếu thì lại càng bất ổn. Vì vậy, Th.S Phạm Thái Sơn cho rằng, việc xét tuyển các khối phù hợp là hết sức quan trọng để hạn chế thí sinh trúng tuyển vào các ngành không đúng khả năng. Đối với thí sinh, nguyên tắc chọn ngành phải dựa vào đam mê, sở thích - khả năng - dự báo nhu cầu nhân lực.
Theo THANH HÙNG (SGGP)