“Việt Nam phong tục”: Cái nhìn mới về văn hóa và phong tục Việt
Gần đây, cuốn sách “Việt Nam phong tục” của tác giả Phan Kế Bính đã ra mắt và nhận được sự quan tâm, đón nhận của đông đảo bạn đọc. Những ghi chép, nghiên cứu tìm tòi của Phan Kế Bính cho chúng ta một cái nhìn khái quát về thuần phong mỹ tục của cha ông ta từ ngàn đời, để từ đó bỏ đi cái lạc hậu và giữ lại điều hay cho hậu thế.
Phan Kế Bính (1875-1921) sinh ra vào thời điểm mà đất nước đang có nhiều sự giao thoa, tiếp biến văn hóa mạnh mẽ từ phương Tây. Nhiều phong tục cổ truyền của người Việt đang bị mai một và “Âu hóa”, một công trình nghiên cứu có tâm huyết, kỹ lưỡng và chi tiết như “Việt Nam phong tục” nhằm đem lại cái nhìn khái quát và tương đối đầy đủ cho hậu thế về những phong tục truyền thống của cha ông từ ngàn đời.
Bìa cuốn “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính
Để từ đó con người Việt Nam trong thời đại mới hiểu một cách sâu sắc hơn về dân tộc mình. Tác phẩm là nguồn tư liệu quý cho những ai muốn tìm hiểu về phong tục cũng như văn hóa đời sống của người Việt xưa.
Phong tục là một thứ di sản của văn hóa, được bồi đắp và làm phong phú thêm theo tiến trình lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc. Từ khi xuất hiện các mối quan hệ xã hội giữa người mới nảy sinh ra phong tục, tập quán để chúng ta biết cách ứng xử lễ nghĩa, khoan hòa với nhau.
Bề dày lịch sử càng lớn mạnh thì phong tục tập quán cũng theo đó mà nhiều thêm. Trải qua bao cơn phong ba của chính trị và thời cuộc với những trận “mưa Âu, gió Á” tràn tới giao thoa và có ảnh hưởng không ít tới văn hóa của người Việt, nhiều tục lệ xưa đã không còn hoặc được cải biên, thay đổi để phù hợp với thời đại mới.
Gia đình, hay rộng hơn một chút là gia tộc, dòng họ. Nơi đây là “hạt nhân” đầu tiên để Phan Kế Bính nghiên cứu về phong tục, sau đó ông mới nói rộng ra các mối quan hệ khác như làng xã, quốc gia. Gia đình vốn chỉ là “tế bào” của xã hội, vậy mà cũng có không ít chuyện để bàn.
Từ cách vợ chồng đối xử với nhau, con cái hiếu kính cha mẹ, anh em hiếu đễ với nhau cũng có nhiều quy định. Những quy định này rất rạch ròi để con người ta ý thức được bổn phận và trách nhiệm của mình, từ đó cư xử sao cho phải đạo, đúng với lễ nghĩa.
Rộng hơn là những tục lệ trong hương đảng, làng xã. Một làng được làm nên bởi nhiều gia đình, dòng họ; bởi vậy, các phong tục quy định cũng vì thế mà chi tiết và phức tạp hơn. Trong một cộng đồng như làng xã, hương đảng “phong tục” còn được hiểu như một thứ luật pháp, để xây dựng trật tự xã hội. Phong tục được truyền từ đời này qua đời khác. Thế hệ sau làm theo những tục lệ mà người đời trước để lại một cách tự nhiên. Đôi khi, những phong tục, quy định của làng đề ra còn cao hơn cả luật pháp của nhà cầm quyền ấn định. Vậy nên ông bà ta xưa mới có câu: “Phép vua thua lệ làng”.
Nhưng phần đặc sắc nhất được Phan Kế Bính dày công nghiên cứu trong “Việt Nam phong tục” là phần nói về “Phong tục xã hội”. Từ những mối quan hệ xã hội như: vua tôi, thầy trò, quan dân, chủ nhà - người ở. Cho đến các vấn đề như: tư tưởng, tôn giáo, tâm linh, tín ngưỡng… hay cách người ta bán mua trao đổi với nhau ra sao đều được Phan Kế Bính đề cập một cách hệ thống.
Ông cho rằng: một cách thức mà nhiều người bắt chước nhau làm, lâu dần trở thành tục lệ, hay phong tục. Nhưng tất cả các tục lệ ở một phạm vi rộng như quốc gia, dân tộc thì nó phản ánh chiều sâu của văn hóa và trở thành hồn cốt của dân tộc ấy. Một dân tộc phát triển đến đâu, văn minh ra sao chúng ta đều có thể dựa vào phong tục để dự đoán được.
Sinh ra trong khoảnh khắc giao thời đáng nhớ của lịch sử dân tộc, Phan Kế Bính cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi văn minh và tư tưởng của phương Tây. Điều này thể hiện rõ trong “tư duy phản biện” và sự liên hệ so sánh với văn hóa nước ngoài mà ông nhiều lần đề cập đến trong các bài viết của mình.
Là người yêu văn hóa, phong tục truyền thống của người Việt, nhưng Phan Kế Bính cũng dám dũng cảm chỉ ra những hủ tục thiếu văn minh trong phong tục và văn hóa dân tộc như: tục tang ma, hiếu hỉ còn rườm rà, để linh cữu trong nhà nhiều ngày mới đem đi chôn rất mất vệ sinh. Trong khi các quốc gia phương Tây hay đơn cử là một nước Đông Á, cũng đã từng có thời chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo như Nhật Bản thì các phong tục tang ma của họ đã giản tiện hơn rất nhiều.
Hay như có nhiều phong tục người ta cứ đua nhau thực hiện mà không hiểu duyên cớ tại sao phải làm những điều ấy. Đôi khi, có những tục lệ xấu, những hủ tục đáng phải bỏ đi, nhưng vì đã thành thói quen, mà người ta vẫn cứ giữ lại. Tiếng nói phản biện, dám chỉ ra cái xấu, cái sai ấy trong các nghiên cứu của Phan Kế Bính chứng tỏ tư tưởng tiến bộ của ông, một điều mà nhiều nhà Nho và học giả đương thời xưa có được.
Hơn một thế kỷ qua, “Việt Nam phong tục” vẫn chứng tỏ được vị thế của mình trong các nghiên cứu về văn hóa của người Việt. Đọc tác phẩm, giúp hậu thế chúng ta có những chiêm nghiệm về lịch sử, văn hóa dân tộc. Từ đó giữ lại những điều hay, bỏ đi những cái đã lạc hậu, làm văn hóa Việt thêm bản sắc, văn minh. Bởi văn hóa là câu chuyện của muôn đời.
Theo Quỳnh Anh (thoibaonganhang.vn)