Cần chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp
Công tác thi đua, khen thưởng ngày càng trở thành một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực trong quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, sau 8 năm có hiệu lực thi hành, Luật Thi đua, khen thưởng đã bộc lộ một số nội dung bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, cần được nghiên cứu bổ sung và sửa đổi. Vừa qua, Ðoàn Ðại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức hội nghị góp ý, sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng, chuẩn bị trình Quốc hội khóa 13 xem xét tại kỳ họp thứ 6 sắp tới (ảnh).
Tại hội nghị, một trong những nội dung được nhiều đại biểu góp ý là nên hạn chế các trường hợp bầu chọn thủ trưởng, mà cần chú ý đến đa số công nhân viên, người lao động trực tiếp để khen thưởng hằng năm và khen thưởng đột xuất cho đúng người, đúng việc. Ông Trần Văn Cờ, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH và ông Lê Thành Hưng, Phó Trưởng Ban Thi đua - khen thưởng (Sở Nội vụ) đều chung ý kiến: Trong công tác thi đua khen thưởng hàng năm, cần khắc phục tình trạng tập trung khen lãnh đạo, bởi việc này hạn chế sự phấn đấu của cá nhân người lao động trực tiếp. Cần mở rộng việc khen thưởng đến các thành phần khác, trong đó chú trọng người trực tiếp thực hiện công việc, trực tiếp lao động.
Thực tế cho thấy, khi xét khen thưởng, các ngành, địa phương, đơn vị phần lớn tập trung đề nghị khen thưởng người lãnh đạo mà ít chú ý tôn vinh tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp… như Luật Thi đua, khen thưởng đã đề cập, dẫn đến sự động viên không thiết thực, giảm ý nghĩa của phong trào thi đua. Một đơn vị kinh doanh hiệu quả, ăn nên làm ra, một đơn vị phấn đấu hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu kế hoạch được giao… đều có sự góp công sức, trí tuệ của tập thể người lao động. Ở đây, chúng ta không phủ nhận vai trò của người lãnh đạo trong việc tập hợp sức mạnh tập thể, nhưng cần phải lưu ý đến việc phát hiện và động viên khen thưởng kịp thời đối với những người lao động bình thường, đã phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp tích cực vào thành tích chung của đơn vị. Về vấn đề này, nhiều đại biểu cùng chung ý kiến rằng: Khen thưởng thường xuyên thì phải đi theo trình tự từ dưới lên, nhưng khen thưởng đột xuất thì không cần định lượng, như thế mới động viên được mọi người cùng phấn đấu.
Một vấn đề khác không kém phần quan trọng là việc đổi mới công tác thi đua, khen thưởng sẽ góp phần “nói không” với bệnh thành tích, đẩy lùi bệnh hình thức trong công tác thi đua, khen thưởng, tránh tình trạng xin- cho. So với Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng lần này có 46 điều được sửa đổi và bổ sung thêm 1 điều. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng lần này nhằm kịp thời khắc phục những bất cập trong thực tiễn công tác thi đua, khen thưởng, thể chế hóa một phần chủ trương của Đảng về đổi mới công tác thi đua khen thưởng.
NHẬT LINH