Gỡ khó cho thừa phát lại
“Khởi sự” đã hơn 4 năm, nhưng việc thực hiện chế định thừa phát lại trên địa bàn tỉnh vẫn khó đủ bề. Ðể gỡ khó, bên cạnh nỗ lực tự thân của văn phòng thừa phát lại, vẫn cần những thay đổi về mặt pháp lý.
Theo Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL)” tại Bình Định được Bộ Tư pháp phê duyệt năm 2013, trong giai đoạn 2013 - 2014 sẽ thành lập 3 văn phòng TPL tại 3 địa phương có lượng án cao nhất (Quy Nhơn, Hoài Nhơn, Phù Mỹ); đến năm 2015 sẽ hoàn thiện và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động TPL.
Chế định TPL là một chủ trương đúng, song để đảm bảo hiệu quả hoạt động của TPL thì phải có hành lang pháp lý phù hợp.
- Trong ảnh: Văn phòng TPL Bình Định.
Chủ yếu là tống đạt văn bản
Lộ trình là thế, nhưng sau khi Văn phòng TPL Bình Định ở TP Quy Nhơn đi vào hoạt động từ năm 2014, đến nay vẫn chưa có thêm văn phòng nào được thành lập. Theo ông Lê Minh Tài, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp), Sở có nhận được một số đề nghị của TPL về việc thành lập văn phòng TPL tại 2 huyện còn lại theo Đề án đã được phê duyệt. Các TPL này đều đã hành nghề tại Văn phòng TPL Bình Định sau khi bổ nhiệm, nhưng đã chấm dứt hành nghề từ năm 2014 cho đến nay. “Không có hướng dẫn cụ thể từ Bộ Tư pháp về hướng giải quyết, nên Sở Tư pháp gặp vướng mắc trong việc thành lập văn phòng và đăng ký hành nghề cho các TPL này”, ông Tài lý giải.
TPL là một chức vụ có từ thời Pháp thuộc. “TPL” là từ Hán Việt: “thừa” có nghĩa là thừa ủy quyền, thừa lệnh (nguyên nghĩa là chuyển tải); “phát” là phát ra, đưa đến; “lại” là một viên chức thực hiện lệnh của quan. Ngày nay, TPL là một ngành nghề trong xã hội, có các quyền: thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan THADS; lập vi bằng (lập các biên bản có giá trị pháp lý như biên bản xác minh tài sản, biên bản hiện trạng nhà...); xác minh điều kiện thi hành án; trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự (trừ các bản án, quyết định liên quan đến thu tiền, tài sản cho ngân sách nhà nước).
Bên cạnh đó, hoạt động của Văn phòng TPL Bình Định cũng gặp khó. Năm 2015, Văn phòng đã tống đạt 8.298 văn bản, doanh thu gần 761 triệu đồng; xác lập vi bằng được 2 trường hợp, thu 7 triệu đồng; xác minh điều kiện thi hành án 19 trường hợp, thu gần 66 triệu đồng. Năm 2017, doanh thu của Văn phòng hơn 927 triệu đồng; nhưng chủ yếu từ nguồn tống đạt văn bản (9.300 văn bản), xác lập vỏn vẹn 1 vi bằng, còn xác minh điều kiện thi hành án thì… trắng!
Theo Trưởng Văn phòng TPL Bình Định Trần Quang Phụng, nguyên nhân chính là trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án dân sự (THADS) rất phức tạp, trong khi các quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của TPL còn chưa đầy đủ, đồng bộ. Đồng thời, xác minh điều kiện thi hành án cũng là công việc của cơ quan THADS, lại được thực hiện miễn phí theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật THADS. Do đó, người dân không lựa chọn văn phòng TPL cũng là điều dễ hiểu.
Hoạt động khó khăn, để đảm bảo thu chi, Văn phòng TPL Bình Định phải chuyển địa điểm, cắt giảm nhân sự.
Tháo gỡ thế nào?
Tuy phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng của TPL đã được quy định tại Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, Nghị định số 135/2013/NĐ-CP và Công văn số 4003/BTP-TCTHADS, nhưng vẫn chưa xác định rõ những trường hợp lập vi bằng cụ thể. Do đó, không chỉ có TPL lúng túng trong việc xác định phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng mà Sở Tư pháp cũng gặp khó khăn trong việc đăng ký hoặc từ chối đăng ký vi bằng. Ông Lê Minh Tài cho rằng, cần có một số mẫu vi bằng cơ bản thường phát sinh trong đời sống xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động lập và đăng ký vi bằng của TPL. Đồng thời, cần có những quy định cụ thể về phạm vi trách nhiệm của Sở Tư pháp trong việc đăng ký vi bằng.
Cùng với đó, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu biết về hoạt động của TPL cũng như hiểu được tính hiệu quả của mô hình này. Đồng thời, triển khai thường xuyên các lớp đào tạo nguồn TPL, thư ký nghiệp vụ; cho phép TPL, thư ký nghiệp vụ được tham gia lớp đào tạo chấp hành viên. Xa hơn là đưa nội dung pháp luật về TPL vào nội dung học tập, đào tạo trong các trường có đào tạo chuyên ngành luật để tạo nguồn nhân sự cho các văn phòng TPL trong tương lai.
Tại cuộc họp mới đây của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Võ Vinh Quang bày tỏ sự lưu tâm đến lĩnh vực TPL. Ông Quang cho rằng, chế định TPL là một chủ trương đúng; song để đảm bảo hiệu quả hoạt động của TPL thì phải có hành lang pháp lý phù hợp. “Cơ quan THADS đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất cũng như nhân lực, tại sao không tính đến chuyện chuyển bớt vụ việc cho TPL thực hiện? Nếu cơ chế, chính sách chưa đầy đủ thì kiến nghị Trung ương điều chỉnh”, ông Quang đặt vấn đề.
Bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế chính sách, cũng có ý kiến cho rằng, bản thân văn phòng TPL cần phải nỗ lực, “chịu khó” lao vào các lĩnh vực khó, phức tạp. Chứng minh được vai trò trên từng lĩnh vực cụ thể, TPL mới tạo được sự tin tưởng, và khi ấy, nỗi lo thiếu “đơn hàng”, khó khăn về kinh phí cũng sẽ không còn.
MAI LÂM