Cần kiểm soát chặt chẽ những “quả bom”… hơi
Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn do nổ bình hơi, bình khí nén liên tiếp xảy ra khiến người dân không khỏi lo lắng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh ta, nhiều bình hơi, bình khí nén chưa qua kiểm tra chất lượng đảm bảo an toàn vẫn được sử dụng, bày bán công khai.
Trên địa bàn tỉnh ta, từ quốc lộ đến tỉnh lộ, từ khu đô thị đến nông thôn, người dân sử dụng khá nhiều những bình bơm hơi, bình khí nén tại những điểm bơm vá xe, phun sơn, dịch vụ rửa xe, hàn, tiện... nhưng không ai biết trong số đó có được bao nhiêu bình hơi, bình khí nén đảm bảo an toàn.
Sống chung với “bom”
Tại QL 19 đoạn từ cầu Bà Di qua địa bàn các xã Nhơn Tân, Nhơn Thọ, phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn) có nhiều điểm vá vỏ, bơm hơi trang bị những bình khí nén công suất lớn, nhiều cái có đường kính lên tới gần 1m. Theo ông Tân - một chủ cửa hàng bơm hơi tại xã Nhơn Thọ, một ngày có hàng trăm lượt xe tải, xe khách chạy qua tuyến đường này. Với các loại xe tải nặng, container, phải sử dụng bình lớn mới đủ hơi để bơm vỏ xe. “Bình hơi của tôi là loại 20 mã lực, do Trung Quốc sản xuất. Vỏ bình tuy hơi cũ (bên ngoài vỏ bình có nhiều vết rỉ - TG) vậy chứ còn tốt lắm.
Bình khí nén không nhãn mác, không tem kiểm định như thế này có mặt ở khắp nơi.
- Trong ảnh: Một bình khí nén không nhãn mác, không tem kiểm định ở đường phố Quy Nhơn.
Tại Quy Nhơn, trên đường Nguyễn Thái Học, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Ngô Mây, Hoàng Văn Thụ, Hùng Vương, Tây Sơn… bình hơi, bình khí nén xuất hiện nhan nhản trên vỉa hè, kích thước đủ loại. Nhiều nơi “bom” đặt ngay trước cổng trường học, các cơ quan, công sở, doanh nghiệp… nhưng ít ai để ý. Hầu hết những chiếc bình này đã khá cũ, trầy tróc vỏ bình, được “bảo quản” trong tình trạng phơi nắng mưa, thậm chí nhiều bình đã qua độ chế sử dụng cho nhiều công việc, tiềm ẩn nguy cơ phát nổ lúc nào không hay.
Theo ông Kh., chủ một tiệm sửa xe gần chợ Khu Sáu (TP Quy Nhơn), đang sử dụng một chiếc bình bơm hơi khá cũ, nhưng theo ông chiếc bình này “nhiều năm vẫn sử dụng tốt”, chắc gì thay bình mới lại an toàn hơn bình cũ. Vì các loại bình hơi được các cửa hàng bày bán không hề có tem kiểm định nên chất lượng đến đâu thì không rõ. Nếu mua bình mới, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, có van an toàn, hệ thống rơle ngắt tự động thì tốn kém lắm, đa số thợ sửa xe chọn loại bình hơi Trung Quốc hoặc bình hỏng được các cơ sở hàn tiện trong nước tái chế lại, giá chỉ 2, 3 triệu đồng dùng tạm là được.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi ghé vào cơ sở kinh doanh máy nén khí Tân Thành (đường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn). Tại cửa hàng bày bán cả trăm bình hơi lớn nhỏ, đủ chủng loại, mẫu mã. Người bán hàng giới thiệu: “Ở đây toàn hàng nhập từ Nhật, bảo hành 6 tháng. Bình hơi loại nhỏ giá 4-5 triệu đồng/cái; bình lớn giá 27 triệu đồng/cái. Đây là hàng second-hand, bên Nhật thải ra, cửa hàng nhập về. Tiêu chuẩn của Nhật rất cao nên dù họ không dùng nữa, chất lượng vỏ bình cũng còn rất tốt, an toàn khi sử dụng”. Cũng theo người này, đối với bình hơi Nhật Bản loại 20 kg chuyên dùng cho các ga-ra vá vỏ ô-tô có giá khoảng 47 triệu đồng. Bình Ðài Loan (Trung Quốc) hay Hàn Quốc cùng chủng loại giá thấp hơn, khoảng từ 7-8 triệu đồng nhưng đa số đều là những hàng cũ được nhập về, sau đó được cửa hàng tái chế lại, còn đối với bình mới phải đặt trước.
Quản lý chưa chặt chẽ
Theo Thanh tra Sở LÐ-TB&XH tỉnh, Thông tư 32 của Bộ LÐ-TB&XH có quy định trách nhiệm của các cá nhân và đơn vị sử dụng các thiết bị bình bơm hơi xe, bình khí nén...: Phải thực hiện việc kiểm định kỹ thuật an toàn, đồng thời người vận hành cũng phải qua thời gian tập huấn kỹ thuật, cấp chứng chỉ. Trong thời gian sử dụng, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra việc kiểm định theo định kỳ. Nếu nơi nào không chấp hành sẽ bị xử phạt hành chính. Thiết bị sau khi kiểm tra sẽ được cơ quan kiểm định dán tem công nhận đủ điều kiện sử dụng. Các sản phẩm không kiểm định, dán tem theo quy định, nếu phát hiện, cơ quan Quản lý thị trường (QLTT) sẽ thu hồi.
Còn một cán bộ Chi cục QLTT tỉnh, cho biết: Các cơ quan quản lý an toàn lao động phải có trách nhiệm kiểm định các bình hơi trên thị trường. Khi phát hiện sản phẩm chưa đủ tiêu chuẩn lưu thông trên thị trường, QLTT yêu cầu cơ quan chức năng kiểm định, dựa trên cơ sở kết quả kiểm định để xử lý cho phù hợp.
Tuy nhiên trên thực tế, công tác thanh tra, kiểm tra chỉ thực hiện đối với doanh nghiệp còn các điểm nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Hoàng Việt, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh, với lực lượng thanh tra của Sở hiện có không thể kiểm soát hết các điểm sử dụng bơm hơi, khí nén tự phát; trong khi các điểm này không có giấy phép kinh doanh và luôn di chuyển địa điểm để hành nghề. Ngoài ra, các đoàn thực hiện thanh tra, kiểm tra theo định kỳ, mang tính thời vụ, đồng thời các doanh nghiệp không có báo cáo chi tiết về hiện trạng số bình hơi, bình khí nén hiện có nên cơ quan chức năng rất khó kiểm soát.
Thực tế, trong thời gian vừa qua, việc quản lý, kiểm soát các điểm bơm vá vẫn chưa chặt chẽ. Trước những nguy cơ cháy nổ từ bình hơi, bình khí nén đang tiềm ẩn, mong rằng các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp hữu hiệu để kiểm tra, tư vấn an toàn trong sử dụng các loại bình này. Cùng với đó, người dân khi sử dụng những thiết bị trên cần nâng cao hiểu biết, sử dụng một cách an toàn và hiệu quả.
MINH NGUYỄN
Cảm ơn tác giả Minh Nguyễn đã viết bài cảnh báo thêm một lần nữa nguy hiểm chết người từ những bình bơm hơn này. Bởi vì ở Bình Định tuy chưa ghi nhận vụ nổ bình bơm hơi nào, tuy nhiên đừng vì vậy mà chủ quan! Tôi cũng đã nghe nhiều người cho rằng hồi giờ dùng đâu có sao đâu ?Các vụ nổ kinh hoàng, người chết, người bị thương, nhà cửa tốc mái, sập tường....ở TP.HCM, Biên Hòa Đồng Nai, Bình Dương đã xảy ra. Có những người chết rất thảm, chết tan xác như bom nổ, trong đó cả những trẻ em chơi gần đó hoặc người đi đường ngang qua. Do đó, chúng tôi nghĩ, chúng ta thà cẩn thận trước thì hay hơn. Đừng để xảy ra vụ nổ chết người trên địa bàn tỉnh, rồi mới lật đật lo sợ, các cơ quan chức năng mới vào cuộc thì e rằng dân lại chê cười: mất bò mới lo làm chuồng! Và điều quan trọng nữa là các cơ quan nhà nước phải xác định rõ, hỏi lẫn nhau để phân định: việc kiểm tra bình hơi khí nén của các tiệm sửa xe, vá xe, gara...là trách nhiệm của ai? Của ngành LĐ-TBXH, của Công an hay của chính quyền các địa phương