VĂN PHÒNG ÐĂNG KÝ ĐẤT ĐAI TỈNH:
Ứng dụng có hiệu quả nhiều sáng kiến kỹ thuật
Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng song công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi là GCN) trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Vì vậy, tăng cường ứng dụng các giải pháp kỹ thuật vào công tác chuyên môn nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi đối với người dân là mục tiêu mà Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh đang nỗ lực thực hiện.
Phòng Thông tin Lưu trữ và Kỹ thuật địa chính - Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh, đã có nhiều nỗ lực trong nghiên cứu, ứng dụng các sáng kiến kỹ thuật vào công tác chuyên môn nghiệp vụ.
Theo ông Nguyễn Hiến, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) tỉnh, công tác quản lý đất đai, hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính, giấy tờ đất đai trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với nhiều biến động, phải qua nhiều khâu, với nhiều cơ quan chức năng ở cơ sở, nên việc cấp GCN cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình không hề đơn giản. Trước tình hình này, Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh đã chú trọng ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi đối với tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong các công việc liên quan.
Ông Vũ Hoàng Thương, Phó phòng Thông tin Lưu trữ và Kỹ thuật địa chính (Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh), cho biết: Cán bộ, nhân viên trong đơn vị đã nỗ lực nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ mới vào công tác chuyên môn nghiệp vụ. Tiêu biểu trong số này là các sáng kiến: “Ứng dụng WebGis trong khai thác bản đồ địa chính”; “Phần mềm lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính LandNet v2.0” (phục vụ việc xử lý, giải quyết hồ sơ tại Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh); “Phần mềm DataSyn v2.0 kiểm tra cơ sở dữ liệu hồ sơ và bản đồ địa chính”…
Cán bộ của Văn phòng còn nghiên cứu, xây dựng, thiết kế các phần mềm bản đồ ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn, xử lý dữ liệu tại cơ quan; xây dựng, bổ sung các modul trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, định giá đất, hiện trạng sử dụng đất; thử nghiệm hệ thống SMS tra cứu thông tin thửa đất; cập nhật biến động hồ sơ địa chính và đồng bộ cơ sở dữ liệu đất đai… Hiện phần mềm quản lý thống kê cơ sở dữ liệu đất đai tập trung đã được áp dụng cho 7 chi nhánh Văn phòng.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Hiến, công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai vẫn còn những tồn tại, bất cập; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách và giải quyết thủ tục vẫn còn hạn chế; hoạt động của các chi nhánh Văn phòng chưa được UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm; một số địa phương chưa chú trọng chỉ đạo công tác cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính... Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, lãnh đạo Văn phòng đã chỉ đạo cán bộ, công chức trong đơn vị và các chi nhánh nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những sáng kiến, cải tiến, tăng cường cải cách thủ tục hành chính...
Kết quả, đầu tháng 3.2018, Phòng Thông tin Lưu trữ và Kỹ thuật địa chính đã nghiên cứu thành công đề tài “Giải pháp sao lưu dữ liệu thông qua mô hình điện toán đám mây”. Giải pháp này sẽ cải thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh và các chi nhánh huyện, thị xã, thành phố, đồng thời bảo đảm bảo mật thông tin dữ liệu. Văn phòng cũng đã hoàn thành Dự thảo “Quy định trình tự giải quyết thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai theo cơ chế một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh” trình UBND tỉnh.
Theo thống kê, năm 2017, toàn tỉnh đã cấp mới, cấp đổi 1.057 GCN QSDÐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức và 43.563 GCN cho các hộ gia đình, cá nhân; đăng ký giao dịch bảo đảm cho 43.943 trường hợp.
VIẾT HIỀN