Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp: Quy mô nhỏ, lợi ích lớn
Bằng những hoạt động hỗ trợ cụ thể, thiết thực, Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp (do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ vốn) đã và đang giúp người dân tỉnh ta giảm chi phí đầu tư, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn.
Công trình khí sinh học của hộ ông Trần Văn Chung, ở xã Nhơn Mỹ (TX An Nhơn) phát huy hiệu quả tích cực.
Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các - bon thấp (DA LCASP) tỉnh chủ yếu hỗ trợ kinh phí cho người dân xây dựng các công trình khí sinh học (CTKSH) quy mô nhỏ để xử lý chất thải chăn nuôi, nhằm hạn chế chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường nông thôn. Mục tiêu này đã đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của chính quyền và người dân các địa phương, nên DA thực hiện thuận lợi.
Huyện Hoài Nhơn là một trong những địa phương thực hiện tốt DA LCASP. Ông Nguyễn Văn Hóa - Trưởng phòng Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, cho biết: DA LCASP giúp giải quyết tốt ô nhiễm môi trường, trong đó có việc xử lý chất thải chăn nuôi sẽ góp phần đảm bảo tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Do vậy, chính quyền các địa phương và người dân đặc biệt quan tâm đến DA, số hộ đăng ký tham gia DA để được hỗ trợ xây dựng CTKSH luôn vượt nhiều so với kế hoạch.
Cũng theo ông Hóa, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của DA (mỗi CTKSH quy mô nhỏ được DA hỗ trợ 3 triệu đồng), các hộ đã đầu tư thêm chi phí để xây dựng CTKSH. Năm 2016, Hoài Nhơn đã xây dựng được 604 CTKSH, nhiều nhất tỉnh; năm 2017 tiếp tục dẫn đầu khi xây dựng được 245 công trình. Phần lớn các CTKSH đưa vào hoạt động đều xử lý tốt chất thải, nước thải chăn nuôi thành chất đốt, nên môi trường sạch hơn. Mỗi tháng các hộ còn tiết kiệm được hàng trăm ngàn đồng tiền mua gas và chất đốt khác. Nhờ tham gia dự án, nhiều địa phương đã hoàn thành tiêu chí môi trường - một trong những tiêu chí khó đạt nhất trong 19 tiêu chí XDNTM.
Các huyện: Hoài Ân, Phù Mỹ, Tuy Phước, TX An Nhơn… cũng đã triển khai có hiệu quả DA LCASP. Theo Ban quản lý (BQL) DA LCASP tỉnh, năm 2017, DA đã hỗ trợ người dân xây dựng 1.025 CTKSH, với số tiền trên 3,64 tỉ đồng, trong đó có 1.021 công trình đã được nghiệm thu. Ngoài ra, DA còn hỗ trợ 4 chủ trang trại chăn nuôi ở xã Nhơn Tân (TX An Nhơn), Cát Hiệp, Cát Lâm (Phù Cát), Ân Mỹ (Hoài Ân) 4 bộ máy tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ. Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn người dân quản lý, sử dụng CTKSH hiệu quả và các biện pháp quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi.
Hầu hết các CTKSH đưa vào hoạt động đều phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững. CTKSH còn tạo nguồn năng lượng sạch, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình XDNTM.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Giám đốc BQL DA LCASP tỉnh, cho biết: Năm 2018, BQL DA sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi; chỉ đạo lực lượng kỹ thuật viên của DA thực hiện tốt công tác tư vấn hộ chăn nuôi lựa chọn công nghệ khí sinh học phù hợp với địa hình, quy mô chăn nuôi; lựa chọn các hộ tham gia DA để hỗ trợ xây dựng 1.070 CTKSH.
DA sẽ tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn phương pháp vận hành, quản lý CTKSH và chất thải chăn nuôi; tăng cường giám sát, nghiệm thu các CTKSH đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của DA. BQL DA cũng sẽ triển khai 5 mô hình LCASP để chuyển giao cho nông dân. Mặt khác, lồng ghép các hoạt động của DA với các chương trình phát triển chăn nuôi của tỉnh, gắn với Chương trình XDNTM, đảm bảo quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi.
Hầu hết các CTKSH đưa vào hoạt động đều phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững. CTKSH còn tạo nguồn năng lượng sạch, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình XDNTM
PHẠM TIẾN SỸ