LỄ HỘI ÐÔ THỊ NƯỚC MẶN 2018:
Trải lòng trong không gian văn hóa đa dạng
Từ ngày 16.3 đến 18.3, tại di tích chùa Bà (thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) sẽ diễn ra Lễ hội Ðô thị Nước Mặn. Ðây là lễ hội có nhiều ý nghĩa văn hóa, lịch sử được sự quan tâm, chung tay của cả chính quyền và người dân địa phương, hứa hẹn đem đến cho du khách nhiều thú vị, hào hứng.
Những ngày giáp lễ, khung cảnh thôn An Hòa khác hẳn mọi ngày. Khắp thôn xóm, mọi người rộn ràng quét dọn, trang hoàng nhà cửa. Ở chùa Bà, Ban quản lý di tích cũng lo sắm sửa, chuẩn bị đón khách. Những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2017, khi tỉnh công nhận và xếp hạng “Nước Mặn - Nơi phôi thai chữ Quốc ngữ” là di tích lịch sử cấp tỉnh, Lễ hội được tiếp thêm sinh lực mới.
Chùa Bà được đầu tư tu sửa khang trang hơn. Ảnh: THẢO KHUY
Trong tâm thức cộng đồng
Ông Đặng Công Nghĩa, người dân thôn An Hòa, chia sẻ: Với dân địa phương chúng tôi, Lễ hội Đô thị Nước Mặn còn vui, sôi động, thu hút hơn cả Tết Nguyên đán. Vào dịp này, con cháu đi làm nơi đâu, đến cữ này cũng gắng trở về dự hội viếng chùa, chung vui cùng làng xóm, đón tiếp bà con xa. Chẳng vậy mà ca dao có câu: Tháng Giêng xem hội chùa Ông/ Mà lòng nhấc nhổm chờ mong hội Bà/ Ai đi buôn bán nơi xa/ Lo về kịp hội quê nhà thường niên”.
Như tổ tiên là những cư dân vùng cảng thị hào phóng, người dân An Hòa hiếu khách! Từ trong tâm thức họ, Lễ hội là dịp để du khách gần xa biết đến quê hương, nên những ngày này, họ háo hức chuẩn bị các loại bánh như bánh tét, bánh chưng, bánh đúc... vừa để đón tiếp vừa làm quà biếu tặng tỏ lòng mến khách”.
“Cảng thị sầm uất ngày xưa đâu còn nữa! Nhưng Lễ hội là niềm tự hào của chúng tôi, nhờ đó mà mọi người mới biết nhiều đến quê hương mình. Do vậy, chưa bao giờ có hiện tượng bán hàng chặt chém khách du lịch, nói một đằng bán một nẻo. Tôi nghĩ, khiến du khách vui vẻ là một cách gìn giữ và phát triển Lễ hội, khiến ngày càng có thêm nhiều người biết đến Nước Mặn” - cô Mã Thị Tám, người bán nước ở gần chùa Bà tâm sự.
Lễ hội Đô thị Nước Mặn có nguồn gốc từ thời Cảng thị Nước Mặn, là một trong những lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, Lễ hội thu hút rất nhiều khách đến từ các tỉnh xa như Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng... Cô Nguyễn Hòa An, du khách đến từ Đà Lạt, chia sẻ: “Nhờ có người quen ở Bình Định mà cô được biết đến chùa Bà và Lễ hội Đô thị Nước Mặn, do đó năm nay cô đưa cả gia đình mình đến đây thăm chùa, cầu mong bình an, may mắn, gia đình cô sắp xếp đến sớm 2 ngày để có dịp thăm các di tích trên địa bàn huyện”.
Để ấn tượng đẹp trong lòng du khách
Để Lễ hội ngày càng bài bản và tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách, các cấp, ngành ở huyện Tuy Phước cùng nhau phối hợp tổ chức. Theo ông Trần Cao Hải, Phó Trưởng CA huyện Tuy Phước: Lực lượng CA huyện điều động cho Lễ hội năm nay hơn 20 người, phân bổ ở 2 vị trí là ở trường THPT Số 2 Tuy Phước và đường từ Phước Hưng qua thôn An Hòa để điều tiết giao thông, tránh tình trạng xe ô tô vào bên trong gây ùn tắc. Không chỉ có vậy, theo sự chỉ đạo của huyện, các lực lượng chức năng sẽ phối hợp theo dõi giá cả, trật tự khu vực lễ hội, đảm bảo du khách có kỳ tham quan, thưởng ngoạn thú vị.
Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH&TT), người có nhiều nghiên cứu về nguồn gốc chữ Quốc ngữ, Nước Mặn là tên gọi của một phố thị cảng sông nằm bên đầm Thị Nại của phủ Quy Nhơn vào thế kỷ XVII-XVIII. Nơi đây thuyền buôn phương Tây và các nước Đông Nam Á thường xuyên ra vào buôn bán. Nước Mặn cũng là nơi đóng bản doanh của giáo đoàn các tu sĩ Dòng Tên ở xứ Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVII. Cảng thị Nước Mặn xưa kia bao gồm các thôn: An Hòa, Lương Quang thuộc xã Phước Quang và thôn Kim Xuyên thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước ngày nay. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, có thể coi Nước Mặn là nơi phôi thai, điểm khởi nguyên chữ Quốc ngữ! Do vậy, ngày càng có thêm nhiều du khách kết hợp trong một chuyến du lịch có thể cùng lúc có nhiều trải nghiệm, đắm mình trong không gian văn hóa đa dạng.
“Đây là Lễ hội thu hút rất nhiều người, vì vậy, công tác tổ chức mỗi năm mỗi thêm bài bản và chặt chẽ hơn, hướng đến các hoạt động đa dạng, thú vị cho người dự hội. Cùng với việc di tích “Nước Mặn - Nơi phôi thai chữ Quốc ngữ” được công nhận là di tích cấp tỉnh, huyện Tuy Phước dự kiến sẽ kết nối với di tích chùa Bà để thành một cụm di tích và mở rộng diện tích cũng như đầu tư mở đường vào khu di tích và xây dựng các dịch vụ, ngành nghề truyền thống thu hút khách du lịch quanh năm chứ không chỉ ở dịp lễ” - ông Võ Tuấn Khanh, Trưởng Phòng VH-TT&TT huyện Tuy Phước cho biết.
Một không gian văn hóa đa dạng
Lễ hội năm nay được tổ chức từ ngày 16 đến 18.3 với phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm: Lễ Nghinh thần - Rước sắc, rước biểu trưng Ngư - Tiều - Canh - Mục; Lễ Cầu an; Lễ Tế bà; múa lân, biểu diễn võ thuật, đánh trống khai hội, dâng hương... Về phần hội sẽ tổ chức các hoạt động như đánh bài chòi cổ, tổ chức các trò chơi dân gian, hát tuồng, thi đấu bóng chuyền...
Khi dự Lễ hội, du khách cũng có thể kết hợp đến thăm nhà lưu niệm Xuân Diệu ở bến sông Gò Bồi cách Nước Mặn chừng 3 km. Xa hơn, mọi người có thể đến thăm tháp Bình Lâm, một trong những tháp Chăm có kiến trúc độc đáo của Bình Ðịnh, thăm Tiểu chủng viện Làng Sông, nơi có nhà in và là một trong những địa chỉ gắn bó với sự hình thành chữ Quốc ngữ tại Việt Nam, nếu di chuyển thêm vài cây số nữa, du khách có thể đến thăm Di tích đền thờ hậu tổ tuồng Ðào Tấn, viếng mộ Ðào Tấn, thăm chùa Long Phước - nơi được mệnh danh là “Thiếu Lâm Tự của Việt Nam”...
THẢO KHUY