“Vãn “ hay “vãng” ?
Để chỉ ý nghĩa “ngắm cảnh, thưởng ngoạn phong cảnh”, chúng ta thường dùng cụm từ “vãn cảnh”. Chẳng hạn: “Ngày mai chúng ta sẽ đi vãn cảnh chùa Ông Núi và chùa Thập Tháp”…
Đây là một sự nhầm lẫn từ lâu và rất phổ biến, đến mức nó trở thành… đúng (nhiều trường hợp khác trong tiếng Việt cũng tương tự như vậy). Cho nên, cả trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên, 1992) cũng ghi nhận mục “vãn cảnh” với nét nghĩa trên. Ở trang 1075, từ điển này viết: “vãn cảnh2 đg. Đến ngắm cảnh đẹp. Vãn cảnh chùa Hương”. (Mặc dù, ở trang 1076, từ điển này cũng đã ghi nhận mục từ vãng với nghĩa “đến thăm nơi nào đó. Đi vãng cảnh chùa Hương”. Nhưng từ điển này không có mục từ vãng cảnh).
Trong trường hợp này, từ dùng đúng phải là vãng cảnh. “Vãng cảnh” là một tổ hợp từ Hán Việt, kết hợp theo mô hình động - tân. Trong đó, “vãng” (bộ xích) có một nét nghĩa là “đi đến” (nét nghĩa này ta còn gặp trong một số từ như vãng lai, vãng sinh); “cảnh” được Việt hóa hoàn toàn với nghĩa như trong các từ cảnh vật, phong cảnh, quang cảnh,… Như vậy, “vãng cảnh” có nghĩa là “đi đến [nơi có] cảnh” (kết cấu đến + nơi đến), sau đó mở rộng nghĩa, chỉ hoạt động “đến tham quan, ngắm cảnh” (trong nghĩa gốc không có nét nghĩa “nhìn, ngắm”).
Vậy còn “vãn cảnh” có nghĩa là gì? Theo Hán Việt từ điển (Đào Duy Anh), “vãn” (bộ nhật) có nghĩa “buổi chiều”. “Vãn cảnh” có nghĩa là “cảnh buổi chiều”. Từ nghĩa gốc này, “vãn cảnh” được dùng với nghĩa ẩn dụ, chỉ “cảnh về già, cảnh tuổi già, tuổi già xế bóng” (trong cả 2 cuốn từ điển dẫn ở trên đều ghi nhận nét nghĩa này).
Trong khả năng tra cứu của mình, chúng tôi nhận thấy, không có chữ “vãn” nào mang nét nghĩa “đi đến” hay “ngắm nhìn” cả. Như vậy, “vãn cảnh” chỉ có thể là “cảnh buổi chiều”, về sau phái sinh nghĩa “cảnh tuổi già, cảnh về chiều, xế bóng với hàm nghĩa là tắt dần”.
Việc viết “vãn cảnh” để chỉ nghĩa “đi ngắm cảnh đẹp” có thể là do sự nhầm lẫn, về sau lại được thừa nhận. Đây cũng là một hiện tượng thú vị trong quá trình vay mượn, Việt hóa từ ngữ gốc Hán của người Việt. Tuy nhiên nếu có thể hợp lý, lôgic hơn, có lẽ nên chọn phương án viết đúng.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ