Tích cực tuyên truyền pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã quý, hiếm
Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20.2.2014 (về tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp quý, hiếm) và Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 17.9.2016 (về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật), các cơ quan truyền thông, Sở NN&PTNT, các ngành, hội, đoàn thể và chính quyền địa phương trong tỉnh đã tích cực phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ và bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES).
Một cơ sở nuôi nai lấy nhung ở huyện Hoài Ân .
Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 320 đợt tuyên truyền với trên 39.500 người tham dự; tuyên truyền trên đài truyền thanh cấp xã trên 1.000 lượt. Đồng thời, vận động cán bộ, công chức và nhân dân không vi phạm pháp luật, không sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trên lĩnh vực này cũng được chú trọng. Từ ngày 20.10.2016 đến 15.12.2017, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 8 vụ vi phạm hành chính về hành vi mua, bán, nuôi nhốt động vật rừng trái pháp luật. Qua đó, tịch thu 4,5 kg động vật rừng (gồm 2 cá thể cầy mực, 1 cá thể rắn ráo trâu, 1 cá thể kỳ đà vân); 60 cá thể dúi nâu có trọng lượng 34,3 kg; 22 kg thịt xương mang; 8 kg thịt cheo cheo; 10 cá thể cầy vòi hương có trọng lượng 28,9 kg; 1 cá thể trăn đất có trọng lượng 47 kg.
Theo thống kê của các ngành chức năng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 60 cơ sở và trại nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã thông thường và nguy cấp, quý, hiếm được cấp phép. Trong đó, có 50 cơ sở nuôi động vật hoang dã thông thường với gần 1.700 cá thể, 10 cơ sở nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm với 748 cá thể.
MAI LÂM