TRƯỜNG CAO ÐẲNG KỸ THUẬT CÔNG NGHỆ QUY NHƠN:
“Sống khỏe” giữa thí điểm tự chủ
Là một trong 3 trường nghề đầu tiên trên cả nước được chọn thực hiện thí điểm tự chủ tài chính, sau 2 năm, trái với những lo lắng ban đầu, chẳng những đã “sống khỏe”, mà Trường CÐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn còn phát triển được uy tín, nâng cao giá trị “thương hiệu”, không chỉ trong lòng người học, nhà tuyển dụng mà còn trong cả trí nhớ của cộng đồng.
“Ở thời điểm bắt đầu thí điểm tự chủ, có không ít ý kiến cho rằng, tự chủ là “tự chết”. Chúng tôi nghĩ khác. Tất nhiên, sẽ rất khó khăn bởi mỗi năm ngân sách tỉnh sẽ ngừng chi từ 8 đến 10 tỉ đồng, song đây là cơ hội lớn để khẳng định mình. Và đúng là, khi được trao quyền, tất cả đều năng động, sáng tạo, bản lĩnh hơn”, bà Võ Thị Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn (sau đây gọi chung là Nhà trường) chia sẻ.
Cơ hội cho cả thầy và trò
Trong rất nhiều cơ hội được mở ra từ việc tự chủ, Nhà trường phấn khởi nhất là việc được chủ động xây dựng chương trình đào tạo theo hướng liên kết với DN. Qua đó, cả thầy và trò đều được tăng thời gian thực hành, thực tập, đi thực tế tại DN.
Kể từ năm học 2017-2018, mỗi năm học, giảng viên Nhà trường có 4 tuần để đi thực tế tại DN. Ngoài DN do giáo viên tự chọn và kết nối, trường còn chính thức ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty CP Tự động hóa Tân Phát (văn phòng tại TP Hồ Chí Minh) để giáo viên trong lĩnh vực điện, điện tử, cơ điện tử có cơ hội tiếp cận công nghệ mới. Kết thúc học kỳ I, đã có 35 giáo viên đi thực tế tại DN trong và ngoài tỉnh.
Trở về sau 2 tuần thực tế tại Showroom Kia (Công ty CP ô tô Trường Hải chi nhánh Bình Định), giảng viên Dương Trọng Chung, khoa Công nghệ ô tô, cập nhật nhiều công nghệ mới và các nội quy làm việc, nguyên tắc trong phòng cháy chữa cháy của hãng để áp dụng vào bài giảng. Anh cho biết: “Lúc đầu, đại diện DN đề nghị mình chỉ đứng quan sát. Sau đó, họ nhận thấy mình “chắc tay” nghề nên đồng ý cho mình làm việc cùng với các kỹ thuật viên của hãng. Vui hơn nữa là sau đó, họ đặt vấn đề tuyển 20 lao động tại khoa. Đợt đi thực tế đầu tiên của tôi như vậy là rất hiệu quả. Bởi, không chỉ thu về những kiến thức, kỹ năng mới mà còn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa trường với DN”.
Về phía người học nghề, từ khóa 10 (niên khóa 2016-2019), thời gian thực tập của sinh viên sẽ tăng từ 4 tháng lên 10 tháng. Thông tin này khiến không ít sinh viên khóa 9 (niên khóa 2015-2018)... so bì. Võ Duy Linh (sinh viên khoa Điện khóa 9) xác nhận: “Chỉ cách nhau có 1 khóa mà thời gian thực tập của các em tăng lên tới 2,5 lần, số lần thực tập cũng tăng lên... Với sinh viên trường nghề, chuyện được thực tập không chỉ là niềm vui mà còn là cơ hội lớn trong nhiều lĩnh vực!”.
Sinh viên năm cuối bộ môn Chế tạo thiết bị cơ khí (khoa Cơ khí) thực hiện bài thi đồng thời là đơn hàng của một doanh nghiệp trong tỉnh vào tháng 6.2017.
Đang thực tập tại Công ty TNHH MTV Nguyên Thảo (TP Quy Nhơn), Nguyễn Đình Văn, sinh viên khóa 10 bộ môn Vận hành sửa chữa thiết bị lạnh, khoa Điện, cho biết: “Đây là lần thứ 2, em được đi thực tập. Không chỉ được rèn nghề, thích ứng với môi trường sản xuất thực tế, em còn có thêm thu nhập nữa! Là sinh viên thực tập, em được phụ cấp mỗi ngày hơn 150 ngàn đồng!”.
Ông Trần Trọng Kiệm, Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Điện, kể: “Có 4 DN tại TP Hồ Chí Minh đặt mối quan hệ với khoa trong việc hỗ trợ sinh viên thực tập. Đây đều là những DN sở hữu thiết bị công nghệ hiện đại với các công trình đang thi công có quy mô lớn. Họ tiếp nhận sinh viên thực tập, hỗ trợ tiền di chuyển, hỗ trợ chỗ ở hoặc tiền thuê trọ cho các em, hỗ trợ tiền ăn tối thiểu 120 ngàn đồng/em/ngày...”.
Năng động nhiều, thu nhập tăng
Bài toán tiết kiệm chi được đặt ra tại thời điểm bắt đầu thí điểm tự chủ là một bài toán khó. “Đến nay, Nhà trường đã giải quyết khá gọn khi năm qua, thu nhập tăng thêm của cán bộ, giáo viên cao hơn năm trước nhờ vào tiết kiệm chi và làm dịch vụ. Rõ ràng, khi không ỷ lại vào ngân sách, tập thể sáng tạo và năng động hơn”, bà Nhung trao đổi.
Chuyện tiết kiệm chi ở Nhà trường bắt đầu từ những điều rất nhỏ. Toàn trường hạn chế sử dụng máy điều hòa, chỉ sử dụng từ 14 giờ đến 16 giờ mùa nắng. Nguồn nước chính là từ giếng khoan. Khoản chi cho điện nước mỗi năm học đã rút lại còn một nửa so với các năm trước, chỉ khoảng 530 triệu đồng.
Mặt khác, vật tư thực hành sản xuất cũng được tái sử dụng hoặc liên kết với các DN để thực hiện lồng ghép các bài tập thực hành, bài thi với các đơn hàng. Việc mua sắm thiết bị, máy móc, công nghệ cũng được giảm đáng kể bằng cách luân chuyển giữa bộ phận thừa sang thiếu. Đặc biệt, phòng Hành chính quản trị lập hẳn một xưởng sửa chữa nhỏ để phục vụ cho nhu cầu sửa chữa, đóng mới các vật dụng tại trường.
Ông Trần Ngọc Thìn, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Hành chính quản trị, cho biết: “Với 4 nhân sự chính là nhân viên mảng điện, nước và quản trị mạng, xưởng đảm nhận toàn bộ việc sửa chữa thiết bị phục vụ dạy học của trường, 30 máy in và 18 máy photo... Năm 2017, xưởng phụ trách đóng 250 ghế, 16 bàn tại hội trường giúp trường tiết kiệm được chi phí so với thuê dịch vụ”.
Các giáo viên cũng năng động, tích cực tìm kiếm các đơn hàng để tăng thu nhập, uy tín cho khoa và cơ hội thực hành cho sinh viên. Có thể coi việc 30 sinh viên của bộ môn Chế tạo thiết bị cơ khí (khoa Cơ khí) đảm nhận thi công lắp đặt khung nhà nuôi tôm công nghệ cao của Tập đoàn Việt - Úc đặt tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) từ tháng 10.2017 đến 1.2018 là một ví dụ.
Ông Nguyễn Duy Hà, Trưởng bộ môn, cho biết: “Tại thời điểm đó, các đơn vị thi công tại Bình Định đều không đủ lượng nhân công để đảm bảo đúng tiến độ. Đây là cơ hội lớn bởi trước đó, chúng tôi không có nhiều không gian cho các em thực hành các bài tập về lắp đặt. Rất vui vì các em đã hoàn thành đúng tiến độ và được DN đánh giá cao”.
“Tự chủ là xu thế tất yếu, hướng đi đúng đắn và là cơ hội để các trường khẳng định mình. Ðiểm đặc biệt của Nhà trường là sự đoàn kết của cả tập thể giàu tâm huyết với giáo dục nghề nghiệp. Từ thành công ban đầu của thực hiện tự chủ, Nhà trường đang đứng trước nhiều cơ hội khi tuyển sinh luôn vượt mức 1.000 sinh viên, sinh viên ra trường được DN mời chào...”
Ông NGÔ XUÂN THỦY, Chủ tịch Hội đồng trường, nguyên Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn
NGUYỄN MUỘI