Liên hoan Hội đánh bài chòi cổ dân gian Hoài Nhơn lần thứ III: Nhiều nhân tố mới, có tính kế thừa
Trong 2 đêm 12 và 13.3, tại Ðền thờ Ðào Duy Từ, huyện Hoài Nhơn đã tổ chức thành công Liên hoan Hội đánh bài chòi cổ dân gian lần thứ III. Liên hoan đã chứng tỏ Hoài Nhơn là cái nôi của bài chòi với sự tham gia sôi nổi của các xã, thị trấn cũng như sự xuất hiện nhiều nhân tố mới.
Không khí hô hát ở Liên hoan Hội đánh bài chòi cổ dân gian Hoài Nhơn.
Cứ 2 năm 1 lần, Liên hoan Hội đánh bài chòi cổ huyện Hoài Nhơn trở thành niềm háo hức, trông đợi của các hiệu hô bài chòi khắp 17 xã, thị trấn. Đặc biệt, Hoài Nhơn đã chọn Đền thờ Đào Duy Từ để tổ chức Liên hoan, điều này có ý nghĩa sâu sắc bởi Đào Duy Từ là ông sơ tổ của nghệ thuật tuồng và là người sáng lập loại hình nghệ thuật bài chòi. Sau khi làm lễ ở Đền thờ Đào Duy Từ và rước roi chầu, khán giả đã kín, Hội đánh bài chòi bắt đầu.
Sôi nổi đêm bài chòi Hoài Nhơn
Năm nay, Ban Tổ chức quy định mỗi đội thi có ít nhất 5 hiệu và hô hát trong vòng 1 lượt. Các xã như Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Thanh, Hoài Hương, thị trấn Tam Quan... là những địa phương có số hiệu tham gia đông đảo nhất, khoảng 10 thành viên.
“Bài chòi như đã ngấm vào trong máu tôi vậy. Nhớ năm mười mấy tuổi, tôi hay theo ba đi hát bài chòi. Giờ đây ba tôi đã mất nhưng không có cuộc hô bài chòi nào tôi không tham gia. Đây là lần thứ ba tôi tham gia Liên hoan, cứ sau mỗi lần, tôi tự thấy dạn dĩ, tiến bộ hơn và Liên hoan thì vui hơn”- cô Huỳnh Thị Đà, hiệu bài chòi của xã Tam Quan Bắc cho biết.
Hoài Nhơn sẽ triển khai nhiều hoạt động để bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật bài chòi hơn nữa. Trung tâm VH-TT&TT huyện sẽ tham mưu với UBND huyện chỉ đạo tổ chức giao lưu bài chòi giữa các xã, cùng với đó mỗi xã sẽ hình thành một điểm bài chòi vào dịp cuối năm để mừng Ðảng mừng Xuân. Tiếp theo đó, Trung tâm VH-TT&TT huyện sẽ kết hợp với các ban ngành, đặc biệt là ngành GD&ÐT đưa bài chòi vào trường học để duy trì đội ngũ kế cận, đưa phong trào sang ngưỡng phát triển mới.
Đêm đã quá khuya, thế nhưng vẫn không ngớt khán giả đến xem hội diễn. “Hoài Nhơn là vùng đất tổ bài chòi, người dân chúng tôi hầu như ai cũng rất đam mê loại hình nghệ thuật này. Hai năm huyện mới tổ chức Liên hoan một lần nên tôi dù bận cũng tranh thủ đến xem dẫu đã khuya”- cô Phan Thị Lộc, người dân ở xã Hoài Thanh bộc bạch.
Ông Nguyễn Văn Tình, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Hoài Nhơn, chia sẻ: “Qua 3 năm tổ chức, năm sau chất lượng cuộc thi tiến bộ hơn năm trước. Nếu như trước đây tầm 70% hiệu hô hát tốt thì năm nay lên khoảng 80%, trong đó có khoảng 20 em thiếu niên hô hát với nhiều dấu hiệu triển vọng”. Quả thật, việc xuất hiện nhiều thiếu niên giàu triển vọng bài chòi thật sự là một điểm nổi trội cho Liên hoan Hội đánh bài chòi cổ dân gian Hoài Nhơn nói riêng, cho phong trào bài chòi nói chung.
Triển vọng
Liên hoan Hội đánh bài chòi lần này xuất hiện rất nhiều nhân tố trẻ ở lứa tuổi 10 đến 16, tiêu biểu như các xã Hoài Phú, Hoài Tân, Hoài Hương, Hoài Châu... Theo nghệ nhân Minh Đức: “Liên hoan bài chòi huyện Hoài Nhơn năm nay chất lượng cao hơn mọi năm, nó bộc lộ ở cách hô hát, biểu diễn, cũng như độ tuổi tham gia. Rất mừng là các cháu nhỏ có tinh thần, khả năng tiếp thu rất tốt, giọng hát ấm. Đây sẽ là đội ngũ kế cận đầy triển vọng của Hoài Nhơn sau này”.
Ấn tượng là 10 hiệu hô hát của đội Hoài Châu là 10 em thiếu nhi ở độ tuổi từ 10 đến 16. Tuy chưa thật sự xuất sắc nhưng Hoài Châu được đánh giá là đội có lối hát đồng đều, hứa hẹn vài năm nữa sẽ là đội mạnh của toàn huyện.
Bên cạnh đó, với 2 chị em Hồ Thanh Thủy (13 tuổi) và Hồ Thanh Trúc (10 tuổi), xã Hoài Tân là đơn vị có hiệu nhỏ tuổi nhất trong Liên hoan. “Nhờ được nghe mẹ hát bài chòi từ nhỏ, có lẽ đó là yếu tố đầu tiên hình thành đam mê và khả năng hát bài chòi của 2 bé. Tre già măng mọc, tôi rất hạnh phúc khi nghĩ đến 2 con mình sẽ tiếp tục cùng mẹ gìn giữ loại hình nghệ thuật truyền thống này”- chị Bùi Thị Lê Thắm, nghệ nhân bài chòi xã Hoài Tân chia sẻ.
THẢO KHUY