Qua “Đôi bờ nhân duyên”
Đôi bờ nhân duyên (NXB Hội nhà văn, 2018) là truyện dài đầu tay của nhà văn Mang Viên Long, và là tác phẩm thứ 31 của anh sau gần 50 năm cầm bút.
Truyện xoay quanh “nhân duyên” của Vượng cùng với 3 người phụ nữ đi qua đời anh: Hồng Diễm, Thảo Phương, Diệu Huệ. Ở đó, có những tình yêu đẹp, đủ lớn để những người trẻ dám bước qua rào cản định kiến như cách Hồng Diễm và Vượng cùng nắm tay qua bao trắc trở để thành chồng vợ.
Đọc truyện, người đọc ấn tượng phần nhiều với nhân vật Thảo Phương. Đây có lẽ cũng là nhân vật được tác giả dày công chăm chút hơn các nhân vật khác. Cuộc đời Thảo Phương là một chuỗi oan trái. Cuối cùng, cô tìm bình an nơi cửa Phật. Qua bao khổ lụy trần ai để rồi như thấu tận đến vô cùng mong manh kiếp người, Thảo Phương vẫn luôn nghĩ cho người khác bằng trái tim thánh thiện. Theo quan niệm Phật giáo, con người đến với nhau bằng chữ duyên, hết duyên thì rời xa nhẹ lòng. Dù Vượng và Diễm kết duyên nhau bằng “thiện duyên”, dù Diệu Huệ hay Diệu Trang đã “mãn duyên” với cuộc đời thì lẽ hợp tan, được mất vẫn nhẹ bẫng như cánh hồng thiên di.
Vẫn với lối viết nhẹ nhàng, điềm tĩnh, kết cấu truyện giản đơn, dễ theo dõi, Mang Viên Long đưa chúng ta qua những góc đời, những số phận. Truyện hẳn sẽ không làm hài lòng những người thích sự kịch tính cao trào, nhưng bù lại, người đọc thấy những khơi gợi róc rách lòng mình, để hiểu rằng cuộc đời này ngắn ngủi lắm, thay vì sân si, lụy hận cớ sao không dành cho nhau những yêu thương. Bến yêu thương vẫn luôn neo trú đâu đó, trong mỗi chúng ta.
VÂN PHI