“Mở hướng - Nâng tầm”!
Trong tháng 3 này, hoạt động thu hút đầu tư vào Bình Định liên tục đón nhận những tin tức rất đáng lạc quan về việc phát triển các ngành công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) tại địa phương.
Tin vui đầu tiên, ngày 2.3, tại trụ sở Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Tường Minh ở Công viên Phần mềm Quang Trung (TP Hồ Chí Minh), UBND tỉnh đã trao Quyết định Chủ trương đầu tư Dự án Công viên sáng tạo TMA (TMA Innovation Park) cho Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Tường Minh Bình Định.
Được biết, Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Tường Minh là công ty phần mềm hàng đầu Việt Nam với hơn 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực CNTT tại các nước phát triển như: Mỹ, Canada, Pháp, Nhật Bản và Việt Nam. Công ty hiện có đội ngũ hơn 2.000 nhân viên, kỹ sư và là đối tác tin cậy của hơn 100 khách hàng từ 25 nước trên thế giới. Dự án Công viên sáng tạo TMA được triển khai tại Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa (KV 2, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) có tổng vốn đầu tư hơn 154 tỉ đồng. Với diện tích hơn 15 ha, Công viên sáng tạo TMA sẽ là nơi sản xuất và xuất khẩu phần mềm; là trung tâm đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; trung tâm khoa học dữ liệu; trung tâm trí tuệ nhân tạo, trung tâm ứng dụng IoT (Internet of Things), nhằm cung cấp phần mềm cho các đối tác trong và ngoài nước. Dự án sẽ được thực hiện từ quý I/2018 đến quý IV/2022 với mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu phần mềm hàng đầu tại miền Trung.
Tiếp đó, trong hai ngày 12-13.3, một “đại gia” công nghệ cao trong lĩnh vực phần mềm của Việt Nam là Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến đã có chuyến thăm và làm việc tại Bình Định. Trong chuyến thăm này, một thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh với FPT Software giai đoạn 2018-2020 đã được ký kết.
Theo đó, hai bên thống nhất chủ trương phát triển ngành CNTT tại Bình Định thông qua việc FPT Software mở cơ sở tại Quy Nhơn với quy mô lao động khoảng 500 người trong giai đoạn 2018-2020. FPT chịu trách nhiệm tuyển dụng nguồn nhân lực CNTT với cam kết rõ ràng về lộ trình, nhu cầu và điều kiện tuyển dụng; chủ động “đặt hàng” các trường đại học, cao đẳng đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu. Cũng trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác, hai bên đã tiến hành khảo sát Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa, làm việc với trường Đại học Quy Nhơn để thỏa thuận thiết lập quan hệ hợp tác phát triển các hoạt động hướng nghiệp, đào tạo và tuyển dụng...
Khi các dự án nói trên đi vào hoạt động, Bình Định sẽ trở thành một Trung tâm nghiên cứu và triển khai CNTT tại miền Trung; tạo động lực thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước về công nghệ cao; thúc đẩy các dịch vụ đi kèm góp phần phát triển kinh tế địa phương. Trường Đại học Quy Nhơn sẽ có điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm cung cấp nhân lực CNTT; thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước đến làm việc. Đặc biệt là, sinh viên tốt nghiệp Đại học Quy Nhơn có nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực CNTT với thu nhập tốt, không chỉ ở tại chỗ hay trong nước mà cả trên phạm vi toàn cầu, ở những quốc gia phát triển trên thế giới.…
Có thể nói, các thỏa thuận hợp tác với hai “đại gia” công nghệ cao không chỉ là tín hiệu vui, mà còn là cơ sở hiện thực để Bình Định “Mở hướng - Nâng tầm” xây dựng thành công Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa trở thành một khu “đô thị sáng tạo” trên bản đồ quốc gia và quốc tế.
H.Ð