Đánh tráo khái niệm !?
Hôm qua (23.3) là ngày Khí tượng thế giới. Năm nay, ngày Khí tượng thế giới có chủ đề “Theo dõi thời tiết để bảo vệ tính mạng và tài sản” - một chủ đề rất gần gũi và thiết thân với mỗi người, mỗi gia đình. Trong khoảng gần một thập niên trở lại đây, các diễn biến bất thường của thời tiết, xuất hiện với tần số và cường độ ngày càng cao hơn, đã thực sự là vấn đề mà thế giới phải đặc biệt quan tâm. Đằng sau các hiện tượng này là sự biến đổi khốc liệt của khí hậu toàn cầu để trở thành một nguy cơ cho sự sống, một nỗi lo “không của riêng ai” trên hành tinh trái đất của chúng ta.
Và hiện nay, “biến đổi khí hậu” đã buộc người ta phải tính tới các biện pháp thích ứng, chuẩn bị các kịch bản ứng phó với nó trong các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cả ở hiện tại và tương lai. Dù là ở tầm mức của cả quốc gia hay từng địa phương cũng đều phải tính tới nhân tố “biến đổi khí hậu” nhằm hạn chế một phần nào những đe dọa tiềm ẩn trong tương lai; cũng như có thể tận dụng những lợi ích, cho cuộc sống và sinh kế người dân, mà biến đổi khí hậu mang lại.
Tuy nhiên, cũng vì các tác động tiêu cực khó tránh do biến đổi khí hậu mà đã xuất hiện những thông tin cực đoan khiến cho người dân hoang mang, chẳng hạn như những lời đồn thổi về “ngày tận thế” là một ví dụ. Thậm chí, không loại trừ việc người ta có thể “tận dụng” sự biến đổi khí hậu để lấy làm nguyên nhân khi xảy ra những hư hỏng công trình, những “sự cố” làm mục tiêu quy hoạch bị phá hỏng. Chẳng hạn như công trình cầu đường hư hỏng nhanh chóng do thi công ẩu, sử dụng vật liệu không đúng chuẩn bị biến dạng; san lấp mặt bằng xâm lấn kênh mương, làm thu hẹp dòng chảy tự nhiên, hay bêtông hóa các khu đất trống, bãi cỏ để xây dựng nhà cửa, cao ốc, đường sá khiến nước mưa, nước thải không thoát đi được làm ngập úng đô thị nặng nề và kéo dài; nhiều dòng sông bị bức tử từ nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, bị chặn lại bởi các con đập khiến dòng chảy xuống hạ lưu bị khô kiệt, nước mặn xâm lấn sâu hơn vào đất liền; nhiều khu rừng bị tàn phá kiệt để lấy gỗ, làm thủy điện, khai khoáng, mở rộng diện tích canh tác… khiến lũ lụt hung hãn hơn và khô hạn khắc nghiệt hơn… Tất cả những điều kể trên, và tương tự, đều có thể và đã từng được đổ vấy cho một nguyên nhân rất xác đáng và mơ hồ là… “biến đổi khí hậu” (!).
Thực ra, biến đổi khí hậu là một hiện tượng rất phức tạp, nó là hệ quả tổng hợp một chuỗi tương quan đa tác nhân, cả về lý do tự nhiên và lý do nhân tạo. Việc đánh giá các tác động của biến đổi khí hậu đối với thế giới tự nhiên và đời sống kinh tế - xã hội… không thể võ đoán hay đơn giản theo suy nghĩ chủ quan mà cần dựa vào các nghiên cứu, phân tích hết sức khoa học.
Vì vậy, cần cảnh giác phòng ngừa việc lợi dụng biến đổi khí hậu bằng cách “đánh tráo khái niệm”, lấy nó như một “miếng mồi” câu các dự án tốn kém tiền của nhưng phi thực tế; hay lợi dụng nó như một bình phong che chắn cho các sai lầm trong dự án đầu tư, việc làm sai trái trong các công trình xây dựng… nhằm trục lợi hay chạy tội!
HẢI ĐĂNG