Tiếp tục thực hiện Nghị định 67/CP: Khắc phục khó khăn, thực hiện đồng bộ các giải pháp
Bình Ðịnh được đánh giá là một trong những địa phương triển khai có hiệu quả Nghị định 67/2014/NÐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; song vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, đòi hỏi các sở, ngành, địa phương và các ngân hàng thương mại trên địa bàn phải nỗ lực nhiều hơn. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Ðịnh, về vấn đề này.
* Tính đến nay, đã hơn 3 năm thực hiện Nghị định (NĐ) 67/CP. Ông đánh giá như thế nào về tình hình thực hiện NĐ này trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
- Có thể nói, Bình Định là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả NĐ 67/CP. Tính đến 28.2.2018, toàn tỉnh có 301 chủ tàu được vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu theo NĐ 67/CP, gồm: đóng mới 251 tàu, nâng cấp 50 tàu khai thác thủy sản xa bờ.
Đối với các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn, tính đến ngày 28.2, đã tiếp cận được 199/301 chủ tàu, trong đó đã nhận được hồ sơ vay vốn của 84 chủ tàu. Các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng với 62 khách hàng vay vốn đóng 48 vỏ thép, 6 tàu vỏ gỗ, 8 tàu vỏ composite, với tổng số tiền cam kết cho vay gần 934 tỉ đồng; đã giải ngân 62 hợp đồng với số tiền trên 911 tỉ đồng; dư nợ cho vay trên 884 tỉ đồng. Các NHTM cũng đã giải ngân cho 23 khách hàng ngư dân vay vốn lưu động với tổng số tiền gần 15 tỉ đồng.
Tuy nhiên, việc triển khai NĐ 67/CP trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Tính đến ngày 28.2, còn 102 chủ tàu được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện, nhưng các NHTM chưa tiếp cận. Có 19 chủ tàu bị NHTM từ chối cho vay vì không chứng minh được năng lực tài chính; đang mắc nợ bên ngoài và đang bị cưỡng chế tài sản thi hành án; khách hàng phát sinh nợ quá hạn; phương án khai thác không khả thi… Ngoài ra, có 12 ngư dân đã được UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ nhưng từ chối tham gia chương trình.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 41 chủ tàu đã quá hạn trả nợ nhưng không trả được nợ cho ngân hàng. Một số chủ tàu thiếu hợp tác với ngân hàng, cung cấp thông tin về doanh thu thiếu tính trung thực, gây khó khăn trong việc thu hồi nợ vay. Tổng số tiền đã chuyển nợ quá hạn lên đến hơn 58 tỉ đồng.
Tàu vỏ thép BĐ 99478-TS do Agribank Bình Định tài trợ vốn được bàn giao cho ngư dân Nông Thành Điền (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát).
* Vậy giải pháp nào để hạn chế những tồn tại, khó khăn trên, thưa ông?
- Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Bộ Tài chính cho phép cơ cấu nợ nhưng vẫn được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản nợ vay theo NĐ 67/CP do nguyên nhân khách quan (công ty đóng tàu không giao tàu theo đúng thời hạn, giao tàu kém chất lượng, thiết kế không phù hợp, dẫn đến khả năng tài chính bị ảnh hưởng; hoặc do diễn biến bất thường về thời tiết, ngư trường khai thác...).
Đề nghị Ban chỉ đạo tỉnh có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ chi phí thiết kế cho các chủ tàu đã đóng tàu cá vỏ composite trước thời điểm Bộ ban hành các mẫu thiết kế dành cho tàu cá vỏ composite; đề xuất thêm quy định ngư dân cam kết bổ sung thế chấp bằng tài sản khác trong trường hợp vi phạm các quy định pháp luật và vi phạm hợp đồng tín dụng. Đề nghị Bộ Tài chính xem xét, có hướng dẫn cấp bù lãi suất trong trường hợp ngư dân đến hạn trả nợ nhưng chưa có nguồn thu để trả do những nguyên nhân khách quan.
Mới đây Chính phủ đã ban hành NĐ số 17/2018/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 67/CP, tạo thuận lợi hơn cho việc thực thi.
* Ông có thể cho biết một số nội dung chủ yếu của NĐ 17/CP?
- NĐ 17 điều chỉnh, bổ sung khá nhiều nội dung quan trọng. Về chính sách cho vay vốn lưu động, đối tượng được vay vốn là chủ tàu khai thác thủy sản xa bờ; chủ tàu dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản xa bờ. Việc cho vay vốn lưu động sẽ do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trường hợp khoản vay giải ngân sau ngày 31.12.2018, lãi suất cho vay do NHTM và khách hàng tự thỏa thuận.
Về chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư, mức hỗ trợ được quy định: Tàu cá có tổng công suất máy chính từ 800 CV đến dưới 1.000 CV, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỉ đồng/tàu. Tàu cá có tổng công suất máy chính từ 1.000 CV trở lên, được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 8 tỉ đồng/tàu. Đối với tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản đóng mới vỏ composite có công suất từ 800 CV trở lên (bao gồm cả các trang thiết bị mới), được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỉ đồng/tàu. Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu dịch vụ hậu cần, tàu khai thác thủy sản xa bờ là thành viên tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá.
* Xin cảm ơn ông!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)