Ngăn ngừa tình trạng cháy nổ tàu cá: Ðẩy mạnh tuyên truyền, siết chặt quản lý
Ý thức hạn chế, hạ tầng khu neo đậu chưa đảm bảo, trang thiết bị chữa cháy tại chỗ còn thiếu…, là những bất cập khiến tình hình cháy nổ tàu cá diễn biến phức tạp thời gian gần đây, gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho ngư dân. Vấn đề đặt ra là cần có giải pháp căn cơ để ngăn ngừa, giải quyết triệt để hiện trạng này.
Khu neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão Tam Quan (Hoài Nhơn) chật hẹp, các tàu phải neo đậu san sát nhau, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.
Nhiều hạn chế, lắm nỗi lo
Qua điều tra của Cảnh sát PC&CC tỉnh, trong 9 vụ làm cháy 15 tàu cá xảy ra từ cuối năm 2015 đến nay, hầu hết là do sự cố hệ thống thiết bị điện (7 vụ, chiếm gần 78%); còn lại bắt nguồn từ sự sơ suất, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt của ngư dân. Đáng nói, chỉ có 7 tàu bị cháy (47%) có mua bảo hiểm, còn lại ngư dân phải gồng gánh thiệt hại.
Mới đây nhất, vào khuya 18.2, tàu cá BĐ 95328-TS của ông Mai Văn Bin, ở xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) trong lúc đang neo đậu tại Khu neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão Tam Quan (xã Tam Quan Bắc) đã bất ngờ bốc hỏa. Toàn bộ cabin và giàn ngư lưới cụ trên tàu bị thiêu rụi, thiệt hại khoảng 1 tỉ đồng. May mắn hơn là tàu cá BĐ 95775-TS của ngư dân Nguyễn Đạt, ở cùng xã Tam Quan Bắc, cũng bị cháy nhưng được các ngư dân dập tắt kịp thời. Tuy vậy, vụ cháy cũng gây thiệt hại cho ông Đạt 200 triệu đồng.
Thượng tá Trần Văn Ân, Phó trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PC&CC tỉnh, cho biết: Các tàu đánh bắt xa bờ đi dài ngày thường trữ một lượng lớn các chất dễ cháy như xăng, dầu, gas, ngư lưới cụ, thùng xốp. Ngoài ra, một số khu vực trên tàu rất dễ tạo thành môi trường cháy, nổ nguy hiểm như: hầm máy, bếp, chỗ để ngư cụ. Trong khi đó, diện tích của hầm máy, khoang tàu nhỏ nên đám cháy diễn ra rất nhanh, gây khó khăn cho ngư dân trong việc dập lửa và thoát nạn. “Mặc dù các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, đẩy mạnh công tác kiểm tra và hướng dẫn phòng, chống cháy nổ trên tàu thuyền, nhưng ý thức của các ngư dân còn hạn chế. Hầu hết các tàu không trang bị thiết bị chữa cháy tại chỗ (trừ tàu đánh bắt xa bờ) hoặc có trang bị nhưng ngư dân không biết sử dụng, hoặc trang thiết bị không đảm bảo chất lượng, dẫn đến thiệt hại về tài sản khi sự cố xảy ra”, ông Ân phân tích.
Là lãnh đạo địa phương xảy ra tình trạng cháy, nổ tàu cá nhiều nhất tỉnh, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, thừa nhận: “Khu neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão Tam Quan có diện tích 70 ha, song diện tích đảm bảo cho tàu thuyền neo đậu chỉ còn 20 ha. Âu thuyền neo đậu chật hẹp, trong khi lượng tàu thuyền rất lớn nên các tàu phải neo đậu san sát nhau. Do vậy, nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn. Đầu năm 2018 đến nay, tại đây xảy ra 2 vụ cháy tàu, gây thiệt hại hàng tỉ đồng”.
Chủ động phòng ngừa, kiểm tra chặt chẽ
Đại tá Phạm Đình Trung, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC tỉnh, cho biết thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường tuyên truyền, diễn tập các phương án phòng, chống cháy nổ cho tàu cá của ngư dân; phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh việc kiểm tra công tác PCCC trên các tàu cá. Tàu nào đảm bảo yêu cầu mới được ra khơi. “Nhưng hơn hết, mỗi ngư dân cần nâng cao ý thức, năng lực phòng ngừa cháy nổ nhằm bảo vệ tài sản, tính mạng của mình”, ông Trung nói.
Vấn đề phòng chống cháy, nổ trên tàu thuyền còn nhận được sự quan tâm của Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay: “Chúng tôi sẽ chỉ đạo Chi cục Thủy sản trong quá trình kiểm tra an toàn tàu cá hàng năm, cần lưu ý, bắt buộc các tàu cá phải trang bị các thiết bị chữa cháy tại chỗ, đảm bảo an toàn về PCCC trong tàu. Đồng thời, đề nghị ban quản lý các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền bố trí sắp xếp tàu thuyền cho đảm bảo an toàn trong lúc hạ tầng khu neo đậu chưa được đầu tư đồng bộ”.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, nhấn mạnh: “Thời gian tới, huyện sẽ yêu cầu 100% các tàu đánh cá ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC và khi về neo đậu tại cảng phải cắt cử người trực trên tàu để xử lý kịp thời nếu có cháy nổ”.
Vụ cháy 3 tàu cá trên đầm Đạm Thủy (xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) vào tháng 2.2017, gây thiệt hại trên 30 tỉ đồng.
Theo Cảnh sát PC&CC tỉnh, thời gian qua, tình hình cháy nổ tàu cá trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng cả về số vụ lẫn thiệt hại. Từ cuối tháng 8.2015 đến hết tháng 2.2018, toàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ làm cháy 15 tàu cá, gây thiệt hại về tài sản hơn 46 tỉ đồng. Hoài Nhơn là địa phương xảy ra cháy nhiều nhất với 6 vụ, cháy 9 tàu; huyện Phù Mỹ 1 vụ, cháy 3 tàu và TP Quy Nhơn xảy ra 2 vụ, cháy 3 tàu.
HỒNG PHÚC