Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ: Chú trọng “đầu tàu”, gìn giữ nền nếp
Chất lượng sinh hoạt chi bộ là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của các cấp ủy đảng. Nhiều nội dung, giải pháp đã được đặt ra để nâng cao chất lượng sinh hoạt, nhằm bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu của từng chi bộ cơ sở.
Ngày 5.12.2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình mới. Mục đích đặt ra là góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi ủy, chi bộ và chất lượng đội ngũ đảng viên; xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng.
Cần đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác đảng, kỹ năng tổ chức sinh hoạt chi bộ cho cấp ủy viên và bí thư chi bộ.
- Trong ảnh: Hội thi Bí thư chi bộ giỏi năm 2018 do Đảng ủy phường Lý Thường Kiệt tổ chức.
Nâng “chất” bí thư, chi ủy viên
Bí thư, chi ủy viên là “đầu tàu”, có tác động lớn đến chất lượng sinh hoạt chi bộ. Tuy nhiên, ở một chừng mực nào đó, chất lượng của đội ngũ này vẫn còn những hạn chế nhất định. Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Hoài Nhơn Nguyễn Văn Sơn từng chia sẻ rằng, có những cán bộ ở chi ủy cơ sở làm việc theo thói quen, không có căn cứ cụ thể. “Có bí thư chi bộ đề nghị ban tuyên giáo đảng ủy xã hướng dẫn nội dung sinh hoạt chuyên đề, trong khi nội dung này phải xuất phát từ thực tiễn ở từng chi bộ. Bí thư chi bộ phải nắm chắc việc, không thể chung chung được”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng cho rằng, các tỉnh phía Nam đã thành công với mô hình nhất thể hóa lãnh đạo đảng và chính quyền cơ sở, Bình Định cũng có điều kiện thuận lợi để thực hiện. Do đó, ông kiến nghị tỉnh, huyện quan tâm đến mô hình này, nhất là ở cơ sở để tạo ra bước đột phá trong công tác xây dựng đảng. Bí thư kiêm trưởng thôn không chỉ giải quyết bài toán khó là tăng phụ cấp, mà còn giúp họ nắm việc, thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành.
Thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng chi ủy viên, bí thư chi bộ cũng là 1 trong 6 nội dung của Kế hoạch nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình mới. Trong đó, Kế hoạch nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh thực hiện chủ trương bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của cơ quan, đơn vị gắn với xây dựng các chi ủy, bí thư chi bộ theo hướng nhất thể hóa. Đồng thời, đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác đảng, kỹ năng tổ chức sinh hoạt chi bộ cho cấp ủy viên và bí thư chi bộ.
Trên thực tế, đây là vấn đề được các tổ chức đảng rất quan tâm và quyết tâm thực hiện hiệu quả. Đơn cử, Đảng ủy phường Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn) vừa tổ chức thành công Hội thi Bí thư chi bộ giỏi năm 2018. Đây là hình thức thiết thực góp phần nâng cao nghiệp vụ về công tác đảng cho đội ngũ bí thư chi bộ, chi ủy viên.
“Điều đó càng có ý nghĩa ở các chi bộ có số lượng đảng viên lớn như chi bộ KV5 chúng tôi. Với 225 đảng viên, để công tác đảng nói chung, tổ chức sinh hoạt nói riêng đạt hiệu quả, ngoài vững kiến thức, bí thư chi bộ, chi ủy viên phải có kỹ năng thật tốt trong điều hành, giải quyết từng đầu việc cụ thể”, chi ủy viên chi bộ KV5 Nguyễn Văn Đính tâm sự.
Quy củ, nền nếp, dân chủ
Bên cạnh nâng “chất” cho lực lượng nòng cốt, Kế hoạch nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình mới cũng lưu ý các chi bộ phải duy trì, giữ vững nền nếp chế độ sinh hoạt định kỳ và tăng cường sinh hoạt chuyên đề. Theo đó, thực hiện thống nhất tổ chức sinh hoạt chi bộ vào tuần đầu hằng tháng. Mỗi quý, chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề ít nhất 1 lần, chú trọng những chuyên đề về công tác chuyên môn và công tác xây dựng đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, cần mở rộng và phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ, tạo không khí cởi mở để đảng viên được thể hiện chính kiến và tâm tư, nguyện vọng. Cụ thể hóa yêu cầu này, Ban Thường vụ Thị ủy An Nhơn đã đưa ra nhiều tiêu chí bắt buộc đối với sinh hoạt chi bộ. Từ tháng 2.2018 trở đi, các chi bộ có từ 10 đảng viên trở xuống, trong mỗi kỳ sinh hoạt phải đảm bảo có 100% đảng viên tham gia phát biểu về tình hình công tác lãnh đạo trong tháng, phương hướng, nhiệm vụ tháng đến và các vấn đề khác theo Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 2.3.2012 của Ban Tổ chức Trung ương về nội dung sinh hoạt chi bộ.
Với các chi bộ có từ 11 đảng viên trở lên, ngoài 10 ý kiến tối thiểu như chi bộ có 10 đảng viên, còn có các ý kiến tăng thêm do người chủ trì điều hành, bảo đảm trong năm tất cả các đảng viên đều được phát biểu. Người chủ trì phải gợi mở các vấn đề cần thảo luận, giải trình làm rõ và khái quát lại những ý kiến phát biểu của đảng viên (nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau), kết luận cụ thể từng vấn đề để thống nhất biện pháp lãnh đạo trong tháng đến.
“Trong quý II/2018, Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ ban hành hướng dẫn tiêu chí đánh giá chất lượng chi bộ, làm cơ sở để các chi bộ phấn đấu và để kiểm tra, giám sát. Trong đó, xác định rõ việc chấp hành chế độ sinh hoạt và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là tiêu chí đánh giá, phân loại chất lượng chi bộ, đảng viên hằng năm”
Ông LÊ MINH TUẤN, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy
NGUYỄN VĂN TRANG