THÓI QUEN ĂN UỐNG THIẾU VỆ SINH VÀ BỆNH ÍT AI NGỜ:
Áp-xe gan!
Áp-xe gan là bệnh nguy hiểm nhưng không phải là bệnh nan y. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể tử vong. Dù vậy, vẫn còn rất nhiều người chưa biết nguyên nhân chính dẫn đến bệnh, chỉ đơn giản là từ việc ăn uống tùy tiện, không vệ sinh.
Áp-xe (bắt nguồn từ tiếng Pháp: abcès) là từ chuyên môn trong y khoa, chỉ một bọc mủ hình thành trong các mô của cơ thể, do nhiễm khuẩn gây ra. Áp-xe gan là tình trạng lá gan bị nhiễm mủ với những lỗ hổng nhỏ. Gan là một cơ quan quan trọng với nhiều chức năng như dự trữ năng lượng, tạo protein và loại bỏ những chất gây hại khỏi cơ thể. Khi gan bị nhiễm khuẩn hoặc ký sinh, nó có thể xuất hiện những lỗ nhỏ có mủ.
Bác sĩ CKII Võ Thành Nam Bình thăm khám cho bệnh nhân tại khoa Nội tiêu hóa BVĐK tỉnh.
Cần cẩn thận trong ăn uống
Ngày 14.3 vừa qua, bệnh nhân L.T.T (45 tuổi, ở Tuy Phước) đã được khoa Nội tiêu hóa (BVĐK tỉnh) cho xuất viện, sau hơn 10 ngày điều trị áp-xe gan. Trước đó, bệnh nhân nhập viện với triệu chứng: đau tức hạ sườn phải, sốt. Khi siêu âm phát hiện có một ổ mủ trong gan, kích thước 8 x 8 cm. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh chống nhiễm trùng, truyền dịch để nâng cao thể trạng và chọc hút ổ mủ qua siêu âm. Để thực hiện kỹ thuật này, các bác sĩ phải đưa kim qua da, qua kẽ sườn, đưa vào gan hút mủ. Người nhà ông T. cho biết: Do là lao động tự do ở địa phương, nên ngoài việc thất thường trong giờ giấc ăn uống, ông T. còn thường dùng những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Thói quen đó cùng việc hay sử dụng bia rượu được cho là nguyên nhân chính khiến ông bị áp-xe gan.
Bác sĩ CKII Võ Thành Nam Bình, Trưởng khoa Nội tiêu hóa (BVĐK tỉnh), cho biết: Những năm trước số bệnh nhân áp-xe gan vào điều trị tại đây khá nhiều. Khoảng 3 năm gần đây, tỉ lệ bệnh nhân áp-xe gan giảm đáng kể. Tuy nhiên, từ đầu tháng 3 đến nay đã có 6 ca nhập viện điều trị. Bệnh thường gặp ở người già, không có con cái chăm sóc, tự phục vụ; những người làm nghề biển, làm nghề tự do như công nhân, thợ hồ… Người ăn đồ tươi sống, ký sinh trùng và vi trùng xâm nhập vào cơ thể, di chuyển đến khu trú ở gan, gây tổn thương gan. Những người có ý thức trong việc ăn uống sẽ khó bị áp-xe gan.
Cảnh giác không thừa
Bệnh áp-xe gan thường xuất hiện trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, trong đó, tháng 5 - 6 là cao điểm. Do đó, việc ngay từ đầu tháng 3 đã có 6 ca nhập viện điều trị ở BVĐK tỉnh được coi là tăng đột biến.
Thông thường, bệnh nhân áp-xe gan nếu phát hiện sớm sẽ được chọc hút mủ, nằm viện trong khoảng 7 - 15 ngày, dùng thuốc kháng sinh để chống tái phát. Bệnh sẽ có thể tái phát đối với những người không thay đổi thói quen ăn uống. Trong khi đó, ngoài những người có thói quen ăn uống thiếu vệ sinh, áp-xe gan còn có thể xảy ra ở một số đối tượng khác như: người mắc bệnh đái tháo đường type 2, sức đề kháng suy giảm, người lớn tuổi, dễ bị vi trùng, ký sinh trùng xâm nhập. Tỉ lệ nam giới mắc bệnh cao hơn rất nhiều so với nữ. Những người bị áp-xe gan thường có triệu chứng chung như: sốt cao, lạnh run, đau vùng hạ sườn phải, dễ nhầm với các triệu chứng cảm cúm. Áp-xe gan chỉ có thể được chẩn đoán chính xác qua siêu âm.
Một trong những nguy cơ gây tử vong cao nhất ở bệnh nhân áp-xe gan là vỡ ổ mủ. Những người có ổ mủ quá lớn, nằm sát bờ sườn, khi ho hoặc cơ thể bị va đập, cử động mạnh, ổ mủ vỡ, chảy khắp ổ bụng, dễ gây sốc nhiễm trùng và tử vong. Biến chứng lâu dài gây dính ruột, rất nguy hiểm.
Bệnh nhân bị vỡ ổ mủ do áp-xe gan, ngay cả khi được cứu sống thì sức khỏe cũng suy giảm nặng, ảnh hưởng lâu dài, hàng năm có thể phải điều trị về một số bệnh liên quan đến ổ bụng. Bác sĩ Võ Thành Nam Bình cho biết: “Nếu ổ áp-xe gan bị vỡ mủ thì phải chuyển khoa Ngoại tổng quát để rửa ổ bụng, việc xử lý phức tạp hơn rất nhiều. Trong số 6 ca bị áp-xe gan điều trị tại BVĐK tỉnh từ đầu năm đến nay, có 1 bệnh nhân mủ dọa vỡ. Do đó, sau khi có kết quả siêu âm, các bác sĩ khoa Nội tiêu hóa BVĐK tỉnh đề nghị chọc hút mủ cho bệnh nhân ngay, tránh trường hợp di chuyển có thể gây vỡ, tác động xấu đến sức khỏe”.
LÊ CƯỜNG