40% người tiêu dùng Việt chọn im lặng khi có tranh chấp
Theo thống kê, cả nước hiện có 54 hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó có 1 hội hoạt động trong phạm vi cả nước và 53 hội địa phương. Hoạt động của các hội đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, như giải quyết thành công hơn 80% trong tổng số vụ (hơn 4.000 vụ) khiếu nại qua các hội.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho hay, theo khảo sát của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), có tới 40% người tiêu dùng tại Việt Nam lựa chọn im lặng khi xảy ra tranh chấp tiêu dùng. Nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là do người tiêu dùng chưa hiểu rõ các quy trình giải quyết khiếu nại, hay gặp khó khăn trong khi liên lạc với các cơ quan có thẩm quyền để gửi yêu cầu khiếu nại.
GIZ khuyến cáo, để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, cần nhiều hơn nữa những hướng dẫn cụ thể về thủ tục rút gọn cho các vụ khiếu nại của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Việt Nam cần đa dạng hóa, mở rộng phạm vi thực hiện hoạt động tuyên truyền như đưa các nội dung giáo dục về tiêu dùng bền vững, tiêu dùng xanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào chương trình giảng dạy, đào tạo tại các cấp trung học và đại học, hay thực hiện chương trình DN vì người tiêu dùng, lấy người tiêu dùng làm trung tâm.
Về vấn đề này, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2018 này sẽ đẩy mạnh nghiên cứu phương thức tuyên truyền trên các mạng xã hội, như Youtube, Facebook… Chủ đề được lựa chọn cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2018 là “Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững”, hy vọng người tiêu dùng sẽ hiểu biết hơn về quyền lợi của mình cũng như cộng đồng DN có trách nhiệm hơn đối với người tiêu dùng và xã hội.
(Theo thoibaotaichinhvietnam.vn)